Những năm gần đây, xuất hiện một thuật ngữ mới gọi là "cha mẹ nghèo vô hình". Thuật ngữ này dùng để chỉ những bậc cha mẹ ở độ tuổi trung niên, bề ngoài họ có thể trông hào nhoáng nhưng lại thầm sống một cuộc sống kham khổ.
Thực tế, thu nhập của họ không hề thấp, nhưng phần lớn chi tiêu đều để đảm bảo cho con có đồ ăn ngon, nhà ở, quần áo đàng hoàng. Họ cố gắng hết sức để dành cho con cái những điều tốt nhất và đối xử với bản thân một cách khắc nghiệt.
Không muốn tiêu tiền cho bản thân nhưng sẵn sàng chi nhiều tiền cho con cái
Con cái là niềm hy vọng và tương lai của cả gia đình. Vì vậy, với thu nhập đáng kể, những cha mẹ này có thể mua hàng trăm bộ quần áo cho con, trong khi chính họ lại mặc toàn đồ cũ giá rẻ. Họ dành tiền để ghi danh cho con vào các trường luyện thi để con không thua kém những người khác.
Những bậc cha mẹ này không thể mua một món đồ nhỏ cho mình, nhưng họ có thể hiện thực hóa ước muốn học violin và piano của con mình. Để con không bị áp lực bởi môi trường giáo dục đặt điểm số lên hàng đầu, họ nhịn ăn nhịn mặc bỏ ra học phí cao để cho con học trường quốc tế. Họ có thể dùng một tháng lương để mua vé năm cho con mình vào công viên giải trí, nhịn ăn món ngon cả tháng để con có tiền thảnh thơi cùng bạn bè thưởng thức một buổi trà chiều.
Trước những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của cuộc sống, hầu hết các "cha mẹ nghèo giấu mặt" đều sẵn sàng chi tiền cho con cái. Trong thâm tâm họ, chỉ cần nhìn thấy con mình vui vẻ, tự tin, lạc quan mỗi ngày là mọi nỗ lực của mình đều có ý nghĩa.
Có một người mẹ làm việc trong một công ty cấp trung ở Bắc Kinh (Trung Quốc), kiếm được một triệu NDT mỗi năm (khoảng 3,5 tỷ đồng) nhưng vẫn phải gánh những khoản nợ khổng lồ. Nguyên nhân là do gia đình cô có 2 con, để các con thi đỗ vào ngôi trường danh giá ở quận Hải Điến (Bắc Kinh) gia đình đã phải bỏ ra số tiền rất lớn để mua một căn nhà trong khu học chánh.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ, làm sao trẻ em học ở những trường danh tiếng lại không có kỹ năng nào? Tất nhiên, tiếng Anh cũng phải theo kịp. Số tiền bỏ ra cho các cơ sở dạy thêm ngoại khóa cho riêng một đứa con đã lên tới hàng trăm nghìn NDT, chưa kể gia đình chị có tổng cộng hai con là một khoản chi phí rất lớn.
Nhưng chị có hạnh phúc không? Chị vui mừng, thấy sự vất vả mỗi ngày của chị có ý nghĩa khi nhìn con vui vẻ. Dù không thể mua bất cứ thứ nào mình muốn nhưng chị vẫn tươi vui, dù không dư giả về tài chính nhưng chắc chắn tinh thần chị rất tràn đầy.
Yêu con cũng đừng quên yêu chính mình
Thật hạnh phúc khi có được một cặp cha mẹ hết lòng vì mình, họ là những bậc cha mẹ vĩ đại, thà hy sinh còn hơn để con cái chịu thiệt. Nhưng khi trả tiền cho con, cha mẹ có thể nghĩ cho mình nhiều hơn được không?
"Dù khó khăn đến mấy, cũng không được để con đau khổ" là quan điểm giáo dục được các bậc cha mẹ đương thời coi trọng. Một đứa trẻ xuất thân từ một gia đình trung lưu phải cho đi học trường quốc tế dù gia đình rất tằn tiện về cơm ăn áo mặc. Cha mẹ ở nhà mấy năm không mua quần áo mới mà vẫn phải gửi con đi học luyện thi đắt đỏ. Cái giá phải trả theo cách này có quá cao hay không là câu hỏi mà mỗi "cha mẹ nghèo giấu mặt" cần phải cân nhắc.
Trả tiền cho con không phải là xấu nhưng tình yêu thương quá mức cũng là gánh nặng cho mỗi đứa trẻ. Nếu biết cha mẹ vẫn đang phải vật lộn để trang trải khoản chi phí cao này, các em cũng sẽ cảm thấy áp lực rất lớn trong lòng.
Các bậc cha mẹ hiện đại cũng có những hiểu lầm nhất định về cách đối xử với con cái. Không thể phủ nhận mục đích hy sinh cho con cái phải xuất phát từ tình yêu thương. Nhưng suy cho cùng, cuộc sống của đứa trẻ là cuộc sống của chính nó chứ không phải là sự tiếp nối cuộc sống của cha mẹ, chúng có những kỳ vọng riêng về tương lai.
Cha mẹ càng đầu tư cho con cái nhiều thì sau này họ càng đòi hỏi nhiều sự đáp lại hơn. Mỗi người là một cá thể độc lập, cha mẹ và con cái đều bình đẳng, không cần phải hy sinh bản thân vì người khác, nếu sự hy sinh đó không được đền đáp thì sớm muộn hai bên sẽ trở nên oán hận.
Nhiều người mẹ đã quên mình dành hết tình yêu thương cho con cái, nhưng không phải bao giờ cũng nhận được sự thấu hiểu và kết quả như mong muốn. Họ cảm thấy đau khổ và kiệt sức. Đáng sợ hơn nữa là trong mắt chồng con, họ dần trở thành một người bực dọc, suốt ngày thích kiểm soát.
Mọi việc phải làm có chừng mực, một khi vượt quá phạm vi thì thực ra đó là một sự thất bại, không có lợi cho sự hòa thuận trong gia đình và sự phát triển của bản thân đứa trẻ.
Bên cạnh việc yêu thương con cái, cha mẹ thông minh cũng nên yêu thương bản thân mình nhiều hơn. Không phải là sai khi dành tất cả những gì bạn có cho con cái, nhưng khi yêu thương con cái, đừng quên rằng bạn đã từng là báu vật của cha mẹ mình. Sau khi có con, đừng để thế giới xoay quanh đứa trẻ, chỉ khi tách khỏi gia đình một cách hợp lý, bạn mới tìm lại được chính mình và có năng lượng để chăm lo cho con cái.
Theo Hiểu Đan (Phụ Nữ Mới)