Năm 2019, Tòa án nhân dân quận Bạch Vân, Quảng Châu, Trung Quốc mới xử xong một vụ kiện kéo dài tận 3 năm, từ hồi 2016. Bản án yêu cầu người bố họ Su trả lại toàn bộ số tiền 3.045 tệ (tương đương 10,4 triệu đồng) - bao gồm tiền lì xì gửi vào ngân hàng và tiền lãi - cho cậu con trai 13 tuổi.
Trước đó, bố mẹ cậu bé li hôn từ tháng 8/2013. Ban đầu cậu bé ở với bố. Từ tháng 2/2014 đến tháng 3/2015, bố đã gửi toàn bộ tiền lì xì vào tài khoản ngân hàng đứng tên con, chia làm 3 đợt khác nhau.
Nhưng đến cuối năm 2015, cậu lại chuyển về sống với mẹ. Tháng 3/2016, cậu bé phát hiện bố đã rút hết tiền lì xì của mình mà không thông báo nên quyết định kiện ra tòa. Tòa cho rằng khoản tiền đúng là do người bố gửi nhưng lại đứng tên con trai, nên về mặt pháp lí, cậu bé có toàn quyền sở hữu. Người bố buộc phải hoàn lại tiền cho con mình.
Trong một trường hợp khác, người đàn ông cùng 3 đứa con kiện thành công người mẹ - vợ cũ vì lấy số tiền lì xì trị giá 560.000 NDT (hơn 2,1 tỉ đồng) đúng ra phải thuộc về những đứa trẻ. Người mẹ sau đó cũng phải trả lại toàn bộ số tiền cùng với phần lãi.
Trước đó, ở Vân Nam (Trung Quốc) cũng có vụ kiện đau lòng là một cô gái đã kiện bố mẹ lấy hết tiền lì xì khoảng 58 nghìn tệ (230 triệu đồng) nhưng không chịu trả phí học cao đẳng cho mình. Kết quả, tòa yêu cầu cha mẹ phải chi trả 1.500 tệ mỗi tháng cho đến khi con gái họ tốt nghiệp. Cha mẹ cô gái cũng đã li hôn trước đó.
Năm 2023, một vụ kiện liên quan đến lì xì ngày Tết của trẻ nhỏ tại Trung Quốc cũng đã nhận được nhiều sự chú ý từ dư luận. Một tòa án đã ra lệnh cho một người cha họ Zhou trả lại số tiền lì xì trị giá 16.800 nhân dân tệ (gần 60 triệu đồng) cho hai con sinh đôi của mình.
Được biết, sau khi cùng vợ có một cặp sinh đôi, anh ta cùng vợ đã ly hôn và quyền nuôi dưỡng hai con thuộc về người vợ. Anh luôn "giữ hộ" số tiền mà cặp song sinh được mừng tuổi từ nhỏ với lý do mình cũng từng chăm sóc con khi chúng còn nhỏ.
Dù cặp song sinh không muốn đưa tiền cho cha và nhiều lần yêu cầu được nhận lại số tiền nhưng Zhou từ chối suốt nhiều năm liền. Với sự chấp thuận của mẹ, cặp song sinh này đã quyết định đệ đơn kiện lên tòa án địa phương để đòi lại tiền từ chính cha ruột của mình.
Tòa án quyết định rằng Zhou đã vi phạm các quyền hợp pháp của cặp song sinh và phán quyết rằng anh ta phải hoàn trả 8.000 nhân dân tệ cho con trai và 8.800 nhân dân tệ cho con gái trong vòng 15 ngày kể từ thời điểm có phán quyết của tòa án.
Đa phần mọi người đều đồng ý với hành động của cặp song sinh khi chúng dám đứng lên chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của bản thân và quan điểm bố mẹ được "giữ hộ" lì xì của con cái bị phản đối.
Đây vẫn luôn là một vấn đề cực kì "đau đầu" trong các gia đình qua bao thế hệ. Mỗi bố mẹ có thể đưa ra quyết định riêng, nhưng cũng cần phải tôn trọng mong muốn của con. Dù bố mẹ có thực sự "cầm hộ" hay cho trẻ tự giữ lấy tiền mừng tuổi thì đều cần có cách xử lí lẫn giáo dục đúng đắn.
Ví dụ, nếu con còn quá nhỏ tuổi, cha mẹ có thể cầm hộ tiền lì xì. Nhưng số tiền này không thuộc về bố mẹ một cách nghiễm nhiên, đó vẫn là tiền của trẻ. Người lớn có thể tích lại để sau con lớn đưa trả lại, hoặc sử dụng tiền đó cho con như đóng tiền học phí, mua quà,... Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể mua một con heo đất để trẻ để tiền mừng tuổi hằng năm vào đó.
Với trường hợp cha mẹ để trẻ tự cầm tiền, chúng ta cần hướng dẫn con nếu chi tiêu thì phải tiêu sao cho hợp lí và không được lãng phí. Nhìn chung người lớn vẫn nên quan sát và kiểm soát cách trẻ tiêu tiền. Mà muốn trẻ biết quản lí tài chính, chi tiêu hợp lí thì trước hết chúng ta phải dạy dỗ từng ngày từ trước đó, sao cho con có quan niệm đúng đắn về tiền bạc, không quá coi trọng và cũng không quá coi nhẹ tiền.
Thay vì ép buộc con phải đưa lì xì cho bố mẹ, các phụ huynh hãy khuyên răn, bảo ban và dạy cho trẻ những bài học nhỏ một cách từ từ và liên tục. Sau tất cả, quan điểm của trẻ về vấn đề nhạy cảm như tiền bạc ảnh hưởng rất lớn đến thế giới quan và sự phát triển toàn diện của mỗi người.
NT (SHTT)