Chồng phát 'điên' vì vợ hay giận dỗi, không nói chuyện nửa tháng mỗi khi cãi nhau

04/06/2024 10:01:52

Mỗi lần vợ chồng xích mích, vợ anh Minh thường im lặng, nhanh thì hai ba ngày, lâu thì nửa tháng không nói chuyện với chồng.

Báo VTC News đưa tin, anh Minh (32 tuổi) quê gốc Nam Định, hiện sinh sống cùng vợ con tại Hà Nội. Vợ anh tên Hà là kế toán, trong khi người đàn ông là nhân viên kinh doanh của công ty thiết bị y tế với mức lương 20 triệu đồng/tháng.

Trước khi lập gia đình, cả hai có hai năm tìm hiểu. Anh Minh nói chị Hà tuy ít nói nhưng chăm sóc người yêu, cả hai lại có chung nhiều sở thích. Anh chị đều là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp, gia đình hai bên đồng kinh tế, thấy hợp nhau nên cả hai tiến tới hôn nhân.

Khi yêu ngọt ngào biết bao thì bước vào cuộc sống hôn nhân anh Minh thấy ngột ngạt bấy nhiêu. Kết hôn được hơn một năm thì vợ chồng anh có con, hai bà nội ngoại thay phiên lên chăm. Thời điểm này vợ anh cũng bắt đầu thay đổi tâm lý, hay giận dỗi.

Sợ vợ bị trầm cảm sau sinh nên anh luôn nhường nhịn vợ, mỗi lần có chuyện gì đều chủ động xin lỗi, làm hoà bất kể là lỗi của mình hay không.

Chồng phát 'điên' vì vợ hay giận dỗi, không nói chuyện nửa tháng mỗi khi cãi nhau
Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên sự việc ngày càng đi xa khỏi sự chịu đựng của anh, vợ anh bất hoà với mẹ chồng, cũng không vừa ý với cả mẹ đẻ vì cách chăm con. Mỗi lần như thế Hà không nói, cũng không tìm cách giải quyết mà chỉ hậm hực, im lặng, suốt ngày cau có. Nhìn không khí gia đình căng thẳng, để không làm mất lòng ai anh quyết định cho cả hai bà về quê, vợ chồng tự mình chăm sóc con cái.

Từ ngày ấy anh nhẹ đi được một gánh nặng khi phải đứng giữa cuộc chiến của những người phụ nữ. Những tưởng cuộc sống êm ấm hơn khi con đi lớp, vợ anh cũng trở lại công việc toàn thời gian nhưng không khí gia đình còn căng thẳng hơn.

Nhiều lúc anh không hiểu lý do cáu giận của vợ là gì, dăm bữa, nửa tháng vợ lại giận dỗi, không nói chuyện với chồng. Khi anh Minh muốn ngồi trao đổi thẳng thắn để hai bên tìm cách giải quyết chị chỉ im lặng rồi khóc, để lại một câu “anh không thương em” rồi đi vào phòng. Anh tìm mọi cách dỗ dành vợ đều bất thành, có thời điểm họ căng thẳng đến nửa tháng không nói chuyện với nhau, ở cùng nhà mà như không quen biết.

Đỉnh điểm có lần anh bắt gặp được tin nhắn của vợ than vãn với bạn về cuộc sống hôn nhân không như mong muốn, chồng không yêu thương, thường xuyên to tiếng. Trong lúc tức giận anh to tiếng chất vấn vợ, nhưng nhận lại vẫn là sự im lặng.

Không giao tiếp được với vợ khiến anh Minh mệt mỏi về tinh thần. So với việc to tiếng cãi nhau để biết rõ nguyên nhân tìm giải quyết, sự im lặng của vợ lâu dần khiến người đàn ông mệt mỏi tinh thần, không muốn về nhà. Nhiều lần về đến cửa nhà anh không dám bước vào vì sợ không khí tĩnh lặng trong nhà, anh không biết nên làm gì, hay cần làm gì chỉ sợ lại làm vợ giận.

Chồng phát 'điên' vì vợ hay giận dỗi, không nói chuyện nửa tháng mỗi khi cãi nhau - 1
Ảnh minh họa: Internet

Trao đổi với VnExpress, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mai Hương cho biết, xã hội phát triển nam giới và nữ giới ngày càng bình đẳng hơn, nên việc nam giới bị bạo lực tăng là điều dễ hiểu. 

Nhiều người nghĩ bạo lực gia đình là việc sử dụng vũ lực để đánh đập, la mắng. Tuy nhiên, tình trạng này còn thể hiện ở các hình thức khác như bạo lực tinh thần, sự thờ ơ, ghẻ lạnh, ép người khác thực hiện hành vi họ không mong muốn, bắt họ phục tùng mình.

Thực tế, nhiều phụ nữ sử dụng các hành vi bạo lực về lời nói, hành vi, cảm xúc, khóc, hoặc "chiến tranh lạnh" thường xuyên, khiến nam giới cảm thấy mệt mỏi.

Im lặng là một trong những hành vi bạo lực tâm lý. Hệ quả của việc này khiến cho người bị bạo lực tâm lý trở nên tự ti, nhút nhát. Một số trường hợp sẽ có cảm xúc bùng nổ hơn như gây hấn, kích động. Ở mức độ nặng có thể dẫn tới những rối loạn tâm thần (trầm cảm, lo âu), lạm dụng chất gây nghiện, chất kích thích.

Theo bác sĩ, rối loạn lo âu biểu hiện đa dạng, bao gồm cảm thấy bồn chồn, khó chịu, tim đập nhanh, khó thở, ra mồ hôi, run rẩy; lo lắng quá mức về các vấn đề trong cuộc sống, sợ hãi những điều không tưởng như tai nạn, bệnh tật, cái chết hoặc tránh né các tình huống gây lo âu...

Bệnh không chỉ ảnh hưởng sức khỏe tinh thần mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và cuộc sống, gây mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn, sụt cân, giảm khả năng tập trung, mất đi các mối quan hệ.

"Nếu không điều trị kịp thời, rối loạn lo âu có thể dẫn đến trầm cảm với những biểu hiện như buồn bã, chán nản, mất hứng thú với mọi thứ, thậm chí có ý định tự tử", bác sĩ Thu nói.

Bác sĩ khuyến cáo để tránh bạo lực tâm lý, vợ chồng cần ngồi nói chuyện, giải quyết các khúc mắc trên cơ sở tôn trọng, thấu hiểu. Nếu không hòa hợp hay bất đồng trong tình dục, cặp đôi nên gặp chuyên gia y học giới tính và tâm lý.

Về lâu dài, cần giáo dục ý thức cho tất cả người dân, đặc biệt là học sinh khả năng làm chủ cảm xúc, chia sẻ, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như lòng trắc ẩn,...

PN (SHTT)

Nổi bật