Chồng tôi đi làm ăn xa nhà nhiều năm nay. Những năm chồng không ở nhà là những năm tôi mong nhớ khôn nguôi. Biết rằng phụ nữ lấy chồng là phải theo chồng, ở gần chồng nhưng vì hoàn cảnh gia đình, tôi chấp nhận để anh đi.
Hai vợ chồng bàn với nhau, chồng đi vài năm để tích thêm ít vốn. Khi về, cả nhà sẽ có tiền của để mở một tiệm kinh doanh nho nhỏ, cùng nhau vun vén hạnh phúc. Còn nếu cả hai ở nhà thì cũng chỉ làm công nhân, vài đồng lương nhỏ không có tương lai.
Ngày chồng đi, tôi nước mắt ngắn nước mắt dài. Đêm nào tôi cũng nhớ anh. Tôi mới về nhà chồng được nửa năm nên cuộc sống chưa thực sự quen. Nhưng để bù đắp tình cảm, tôi thay chồng chăm sóc bố mẹ chồng. Tôi vun vén mọi việc trong nhà, chăm sóc gia đình để bố mẹ và anh được yên tâm. Thấy được tấm chân tình của tôi, mẹ chồng rất quý mến và coi trọng.
Hai năm đầu, anh đều đặn gửi tiền về và thường xuyên gọi điện cho gia đình. Nhưng bẵng đi gần 1 năm nay, số lần anh gọi về ngày càng ít, tiền anh cũng không gửi về nữa. Tôi hỏi thì anh nói sắp hết thời hạn lao động, anh sẽ trực tiếp mang tiền về nên không cần gửi. Anh cũng cần cất giữ một ít phòng có việc gì xảy ra.
Hai tháng nay, tôi hỏi anh có về quê dịp Tết thì anh nói không. Trong lòng tôi rất buồn vì như hứa hẹn, năm nay chồng sẽ về ăn Tết cùng gia đình. Chờ đợi chồng bao năm cuối cùng lại không thể gặp mặt. Chỉ cần nghĩ đến đó, tôi đã chảy nước mắt. Chồng động viên tôi cố đợi thêm, đến lúc anh hết hạn lao động thì về một thể để tránh tốn kém.
Nhưng linh tính của người phụ nữ khiến tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn. Không lẽ anh không mong về sum họp cùng gia đình và vợ? Bạn bè đi làm ăn cùng đợt với anh, rất nhiều người cũng về dịp này. Anh còn nhờ họ mang quà về gửi bố mẹ và tôi.
Cách đây ít hôm, nhận được hộp quà của anh, tôi rất mừng. Trước tới giờ chồng chưa từng làm việc này. Tôi nghĩ đó là món quà bù đắp cho việc anh không về quê ăn Tết. Mở ra, tôi thấy bên trong rất nhiều mỹ phẩm đẹp, loại mà tôi yêu thích. Nhưng lúc sờ xuống cuối hộp, tôi ngớ người vì có một lá thư. Nội dung bức thư khiến tôi chết lặng, không cầm được nước mắt. Đó không phải là dòng chữ của chồng mà là chữ của một người xa lạ, nhận là vợ của anh.
“Chào chị, tôi biết rồi cuối cùng hai ta cũng phải đối mặt với chuyện này. Tôi và anh T. đã yêu nhau từ lâu, chúng tôi thực sự đã coi nhau là vợ chồng. Có lẽ chị không cam lòng nhưng chúng tôi thực sự yêu thương nhau. Anh ấy chưa dám đối mặt với chị nên tôi thay anh ấy nói ra lời này để chị chuẩn bị tinh thần. Chị và anh ấy xa nhau, tình cảm phai nhạt. Tôi là người phụ nữ luôn ở bên và có được tình yêu của anh ấy. Ở bên này, chúng tôi đã trải qua nhiều sóng gió, vất vả, nương tựa vào nhau lúc ốm đau bệnh tật. Mong chị hiểu và đưa ra lựa chọn cho mình…”.
Còn rất nhiều lời trong bức thư khiến tôi chỉ biết câm nín. Kèm theo đó là bức ảnh tình cảm ngọt ngào của hai người họ. Anh còn từng về nước để gặp gia đình người phụ nữ đó trong TP.HCM. Vậy mà ngần ấy thời gian, anh chưa từng về thăm bố mẹ và vợ?
Tôi khóc như mưa. Tôi đã làm gì sai? Tôi cung phụng, chăm sóc bố mẹ anh như bố mẹ đẻ của mình? Tôi yêu thương, chờ đợi anh, cùng anh cố gắng. Cái sai của tôi có lẽ là vì đã ở xa anh, để anh đi lao động nơi xứ người? Nhưng nếu thực sự tình yêu mong manh như vậy thì có lẽ ngay từ đầu tôi đã sai khi chọn lấy anh làm chồng…
Tối đó, tôi gọi cho anh để xác minh mọi việc, anh cũng không ngần ngại thú nhận tất cả. Anh nói không biết chuyện lá thư nhưng nếu sự việc đã bại lộ thì anh không muốn giấu tôi nữa. Anh nói sẽ giải quyết mọi chuyện khi về. Anh sẽ cho tôi 2/3 số tiền anh kiếm được những năm qua để tôi lấy vốn làm ăn. Điều đó đồng nghĩa với việc anh muốn ly hôn? Vậy mấy năm thanh xuân của tôi phải trả giá thế nào? Kết hôn và ly hôn với anh đơn giản vậy sao?
Anh cũng thừa nhận ở bên người phụ nữ kia rất vui. Có lúc anh ốm thập tử nhất sinh, chỉ có cô ấy bên cạnh chăm sóc. Anh không chỉ có tình yêu mà còn có sự biết ơn, kính trọng với người ấy. Nhưng anh không hiểu rằng, nếu là tôi, tôi cũng sẽ hết lòng với anh như thế. Chỉ là hoàn cảnh khiến chúng tôi phải xa nhau.
Nhưng chuyện đến nước này, tôi đâu còn gì để tranh giành?
Theo Nguyễn Anh (VietNamNet)