Trưa 2/1, nhiều gia đình ở Hà Nội làm lễ cúng ông Công, ông Táo sớm. Trên đường phố, không khó bắt gặp cảnh người dân lúi húi bày đồ vàng mã ra đốt.
Anh Nguyễn Vũ (trái) cho biết, hôm nay gia đình anh bao sái ban thờ, hóa vàng những khay, tệp tiền cũ, đồng thời làm cỗ cúng nhân ngày 23 tháng Chạp. "Gia đình tôi chủ đích làm trong một ngày. Vì trong nhà chật nên tôi đốt vàng mã phía ngoài cửa. Tất nhiên tôi sẽ quan sát và nhắc nhở để người đi đường không bị ảnh hưởng", anh Vũ nói.
Trước khi đốt, anh Vũ cẩn thận tháo bỏ lớp nilon bên ngoài bọc vàng mã.
Ông Hải giới thiệu với người hàng xóm về "sáng chế" mới của mình. Thay vì dùng thau, chậu nông dễ bén lửa, ông mua một chiếc lồng máy giặt hỏng với giá rẻ để làm thùng hóa vàng.
"Vừa an toàn lại tiện lợi. Chút nữa tôi dập lửa bằng nước rồi cho tro vào túi nilon đem vứt là xong. Phố cổ đất chật người đông, đốt trong nhà thì không được mà không cẩn thận cũng gây mất an toàn chung", ông Hải nói.
Một người phụ nữ dùng xô nhôm để đốt vàng mã. Bà cho biết, đồ cúng của gia đình mỗi năm đều rất đơn giản nên chỉ cần chiếc xô nhỏ là đủ.
Rất nhiều gia đình cúng ông Công ông Táo sớm bởi hôm nay là ngày đẹp và tiết trời ấm áp.
Không chỉ hóa vàng mã, những ngày này người dân còn dọn ban thờ, hóa chân nhang. Tại một khu tập thể nằm trên đường Đội Cấn, những hộ dân ở đây đều có thùng đốt vàng mã riêng để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Tại một chung cư trên đường Kim Mã, người dân hóa vàng ở thiết bị được lắp đặt sẵn. Bà Loan (cư dân) cho hay" Những năm gần đây tôi thấy các gia đình đã tối giản việc mua sắm vàng mã nên cũng thấy yên tâm hơn về vấn đề phòng cháy chữa cháy dịp này".
Chung cư này có 3 lư đốt vàng mã, không xảy ra tình trạng chen lấn, xếp hàng chờ đợi.
Rất nhiều gia đình sắm lễ trưa hôm nay để kịp làm cơm cúng Táo quân theo nghi thức cổ truyền của người Việt.
Theo Thạch Thảo (VietNamNet)