Ngày nay, mọi người dành thời gian nhiều cho việc sử dụng điện thoại, làm việc online bằng máy tính, ăn uống, ngồi lì trong văn phòng… Đây là nguyên nhân dẫn đến một số chứng bệnh phổ biến như: các bệnh lý cơ xương khớp, các bệnh lý rối loạn chuyển hoá, tiêu hoá,... Từ đó làm cho sức khỏe suy giảm, tinh thần căng thẳng, ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới WHO, không hoạt động thể chất góp phần gây ra hơn 3 triệu ca tử vong có thể phòng ngừa được trên toàn thế giới mỗi năm (tức là 6% tổng số ca tử vong). Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư do các bệnh không lây nhiễm. Ít vận động cũng là nguyên nhân gây ra 21 đến 25% ca ung thư vú và ung thư ruột kết, 27% ca bệnh tiểu đường và khoảng 30% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Ngồi quá nhiều, ít vận động ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn như thế nào?
Chúng ta thường sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi ngồi nhưng nếu ngồi quá nhiều hoặc quá lâu trong một thời gian dài, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe chúng ta. Ngồi lâu, ít vận động cả ngày gây gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như:
- Các bệnh về cột sống, xương khớp: Ngồi làm việc hay đứng quá lâu tại khiến sự lưu thông máu ở chân sẽ giảm, cơ mông, hông ngày càng trở nên kém linh hoạt. Các khớp xương bàn tay, cổ tay và cánh tay luôn luôn phải hoạt động với chuột và bàn phím khiến cho các dây chằng và cơ phải chịu sức ép khi hoạt động liên tục.
Ngoài ra, thói quen ngồi lâu, liên tục trên hai giờ làm mỏi nhóm cơ cạnh cột sống khiến chúng ta khòm lưng và cúi ra trước, dẫn đến căng các nhóm cơ và dây chằng phía sau cột sống gây đau và nếu kéo dài làm cột sống không vững, dẫn đến tổn thương các đốt sống, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống. Khi chúng ta ngồi trong thời gian dài không đúng tư thế sẽ tạo ra những thói quen không tốt cho tư thế. Điển hình là tình trạng vẹo cột sống, gù lưng, gù cổ,…
- Dễ thừa cân, béo phì: Lười vận động là nguyên nhân hàng đầu gây tăng cân, béo phì vì lượng calo dư thừa trong cơ thể không được đốt cháy đã dẫn tới tình trạng tích tụ mỡ thừa. Với những người có lối sống tĩnh tại, ít vận động thường dễ thừa cân, béo phì và kéo theo các hệ lụy của béo phì như: bệnh mạch vành, sỏi mật, tiểu đường, cao huyết áp,...
- Tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng lối sống tĩnh tại, ít vận động,... có thể dẫn đến tăng tình đề kháng insulin, khiến đường máu tăng cao gây hại cho sức khỏe, góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
- Tăng nguy cơ lo lắng, trầm cảm: Dù khoa học chưa hiểu rõ mối liên hệ giữa việc ngồi lâu với sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể chất, nhưng các nghiên cứu ban đầu cho thấy những người ngồi lâu không vận động có nguy cơ lo âu và trầm cảm cao.
- Các bệnh lý khác: Bên cạnh đó thói quen ngồi lâu, ít vận động cũng góp phần tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như: bệnh lý tiêu hoá, tim mạch, suy giãn tĩnh mạch, nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu,...
Một số lời khuyên dành giúp bạn phòng bệnh do ngồi nhiều, ít vận động
- Ngồi đúng tư thế
Ngồi đúng tư thế là điều quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn nếu phải thường xuyên ngồi làm việc và ít có thời gian cho vận động, đi lại. Ngồi đúng tư thế cần đảm bảo đủ các yếu tố gồm:
Lưng luôn ở trạng thái thẳng tạo với phần đùi góc 90 độ.
Cổ nhìn thẳng, hạn chế tình trạng cúi xuống gây mỏi cổ. Bạn có thể kê máy tính ngang tầm mắt ở tư thế thẳng lưng để tránh cúi xuống.
2 chân và đùi tạo ở tư thế góc 90 độ vì khi để chân thả lỏng sẽ ảnh hưởng đến sự tuần hoàn của máu trong cơ thể.
Ngồi đúng tư thế giúp phòng ngừa các bệnh về xương khớp hiệu quả hơn
- Tăng cường vận động
Tăng cường vận động được xem là phương pháp hiệu quả nhất nhằm phòng ngừa các vấn đề sức khoẻ có hại do ngồi nhiều.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên nhiều người khó áp dụng, vì vậy chúng ta nên chủ động xây dựng nhiều hoạt động hơn trong ngày bằng các cách sau:
- Làm việc nhà từ việc vặt đến các việc lớn để giảm thời gian rảnh, điều này sẽ giúp bạn có thời gian nghỉ ngơi hợp lý mà không ngồi một chỗ quá lâu.
- Tập thể dục sáng và tối bằng cách đi bộ, đạp xe, chạy bộ, tập yoga…
- Đi bộ đi chợ nếu chợ cách nhà khoảng 1 km hoặc gần hơn.
- Thay trò chơi điện tử thành trò chơi hoạt động, đặc biệt là trẻ em.
- Nếu ở văn phòng bạn nên vận động nhiều hơn bằng cách:
- Đi lại trong văn phòng khi cần kết nối với mọi người thay vì nhắn tin trên điện thoại nếu có thể.
- Sử dụng cầu thang bộ thay vì thang máy hoặc thang cuốn khi lên xuống các tầng.
- Đỗ xe xa hơn nơi bạn định đến và đi bộ hết quãng đường còn lại.
- Sau 30 phút làm việc bạn nên đứng dậy và tập một vài động tác vận động cơ bản, chẳng hạn như vặn mình, duỗi chân tay, đi bộ một vài phút…
- Bạn có thể đi làm bằng xe buýt, khoảng thời gian bạn đi bộ đến điểm xe buýt cũng là ý tưởng hay để vận động.
BS Huỳnh Minh Nhựt, khoa Nội Nhiễm - BV đa khoa Khu vực Thủ Đức
Theo PV (Phụ Nữ Việt Nam)