Tiến sĩ Saurabh Sethi, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa được đào tạo tại Đại học Harvard và Đại học Stanford (Mỹ) khẳng định thông tin này hoàn toàn không đúng.
Chia sẻ trên kênh TikTok @doctorsethimd của mình, vị chuyên gia giải thích: “Ăn cay thực chất không gây loét dạ dày. Thói quen ăn đồ cay nóng chỉ có thể làm trầm trọng các triệu chứng trào ngược axit dạ dày. Khái niệm trào ngược axit dạ dày và loét dạ dày là hoàn toàn khác nhau”.
Bác sĩ Sethi cho biết nguyên nhân chính gây loét dạ dày thường là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn HP) hoặc việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen và naproxen.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), nhiễm vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày. Sau khi xâm nhập vào dạ dày, vi khuẩn này sẽ chui vào lớp nhầy của niêm mạc dạ dày, tiết ra độc tố làm tổn thương niêm mạc dạ dày, từ đó hình thành các vết loét dạ dày.
Ngoài nhiễm khuẩn HP, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh cho biết việc sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, naproxen,… trong thời gian dài sẽ khiến dạ dày bị tổn thương. Các loại thuốc này gây ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin, làm giảm hiệu quả bảo vệ niêm mạc dạ dày, khiến dạ dày dễ bị viêm loét.
Tuy thức ăn cay không gây viêm loét dạ dày nhưng các chuyên gia của trường Cao đẳng Tiêu hóa Hoa Kỳ (ACG) nhấn mạnh rằng thức ăn cay có thể gây kích ứng vết loét dạ dày vốn có và làm trầm trọng tình trạng bệnh.
Ngoài ra, bác sĩ khuyên: "Nếu ăn một loại thức ăn nhất định, bất kể cay hay không, gây ra chứng khó tiêu, bạn nên tránh loại thức ăn đó."
Những người có các triệu chứng bao gồm đau dạ dày dữ dội, sốt, phân có máu, buồn nôn và nôn mửa cần đến kiểm tra về tình trạng loét dạ dày.
PN (SHTT)