Tiết canh - Món ăn 'khoái khẩu' tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nghiêm trọng

07/05/2024 10:39:41

Tiết canh động vật là món khoái khẩu của nhiều người vì cho rằng "vừa mát vừa bổ". Tuy nhiên, mới đây, một người đàn ông đã tử vong và 18 người khác nhập viện cấp cứu sau khi ăn bữa cỗ có món tiết canh dê.

Theo thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, ngày 6/5, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Bình (thuộc Sở Y tế tỉnh Thái Bình) đã đưa ra thông tin ban đầu về vụ việc nhiều người nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm xảy ra tại phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) nghi ngờ có liên quan tới ăn tiết canh dê.

Theo đó, trưa ngày 1/5 tại gia đình bà Đ.T.H (trú tại tổ 5, phường Hoàng Diệu, TP. Thái Bình) có tổ chức bữa ăn nhân dịp gia đình chuẩn bị làm đám cưới cho con, với thành phần tham dự chủ yếu là người thân.

Bữa ăn trưa ngày 1/5 với khoảng 20 mâm, thực đơn gồm các món: thịt gà rang, tôm kho, canh dưa cà, tiết canh dê. Đáng chú ý, dê được giết mổ ở Ninh Bình, sau đó vận chuyển tiết, thịt về Thái Bình. Riêng nhân làm tiết canh dê gồm có: tai, gan, cuống họng lợn đã luộc chín.

Đến chiều ngày 1/5 và sáng ngày 2/5, gia đình tiếp tục tổ chức bữa cỗ; thực đơn gồm: Gà luộc, tôm chao, chân giò hầm, mèo xào, ba ba nấu chuối.

Tiết canh - Món ăn 'khoái khẩu' tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nghiêm trọng
Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, vào ngày 4/5, ông P.T.T - một trong những người tham gia ăn các bữa cỗ trên (có ăn tiết canh dê) xuất hiện triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau tức 2 bên sườn. Sau đó, ông P. đã đến khám và nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Vào khoảng 20h cùng ngày, ông T. bất ngờ bị diễn biến nặng nên đã được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và đến ngày 5/5, bệnh nhân này tử vong. Theo bác sĩ, ông T. được chẩn đoán lúc ra viện bị nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, ngừng tuần hoàn/Gout.

Sau khi nhận được thông tin về ông P.T.T, tử vong, trong đêm ngày 5/5 và sáng hôm qua (6/5) nhiều người cùng ăn bữa cơm (ngày 1/5 - 2/5) ở đám cưới đã đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Cụ thể, có 8 người khai với các triệu chứng như: Sốt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng. Những người này có nguyện vọng xin chuyển lên tuyến trên điều trị (hiện 6 người đã được xuất viện về nhà); 10 người có triệu chứng nhẹ như: Đau đầu, đau mỏi vai gáy, có ăn tiết canh nhập viện và theo dõi tại Khoa Truyền nhiễm-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Đến trưa hôm qua, sức khỏe của 10 người ổn định, không có triệu chứng khác thường.

Liên quan tới những nguy cơ khi ăn tiết canh dê nói riêng và tiết canh nói chung, bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ trên báo Nguoiduatin.vn, trong tiết động vật có thể mang rất nhiều mầm bệnh, đặc biệt là tiết canh của lợn, vịt, dê… bị nhiễm bệnh.

Theo bác sĩ Thiệu, việc ăn tiết canh tiềm ẩn 2 mối nguy cho sức khỏe.

Thứ nhất, việc bảo quản thực phẩm không đúng cách có thể dẫn tới mất an toàn thực phẩm. Sự hiện diện của các vi khuẩn nhiễm vào thực phẩm có thể sản sinh ra các độc tố gây ra ngộ độc. Người ăn tiết canh khi đó dễ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa với các triệu chứng như đau bụng, đi ngoài phân lỏng… Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nặng hơn như sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... có thể chuyển biến thành nhiễm khuẩn huyết, nếu không được cấp cứu có thể tử vong.

Bác sĩ Thiệu nêu quan điểm: "Trường hợp ngộ độc tập thể trên, tiết canh được lấy ở Ninh Bình sau đó vận chuyển về Thái Bình. Quá trình vận chuyển xa, vi khuẩn dễ lên men, gặp điều kiện thời tiết nắng nóng, vi khuẩn phát triển gây hại".

Còn vấn đề thứ hai khi ăn tiết canh đó là nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, theo bác sĩ Thiệu.

Tiết canh - Món ăn 'khoái khẩu' tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nghiêm trọng - 1
Ảnh minh họa: Internet

Đồng quan điểm, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ trên VnExpress, tiết canh là món ăn được chế biến từ máu sống nên không thể tiêu diệt hết vi khuẩn, ký sinh trùng, nhất là máu của lợn, gà, vịt, dê... đang nhiễm bệnh.

Vi khuẩn từ tiết canh khi vào cơ thể gây bệnh giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, liên cầu khuẩn. Đơn cử là bệnh nhiễm sán dây lợn. Trứng sán vào trong cơ thể phát triển thành ấu trùng. Ấu trùng sán lợn có khả năng xuyên qua niêm mạc đường tiêu hóa, cư trú ở tất cả hệ thống từ cơ vân đến cơ tim, cơ hoành, nổi những hạt li ti trên da như lợn gạo. Sán chui lên não làm tổ, khiến người bệnh có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nôn, có thể có các cơn co giật kiểu động kinh.

Bệnh nguy hiểm thứ hai là liên cầu khuẩn lợn. Bệnh lây truyền trực tiếp sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo...) hoặc tiếp xúc từ tổn thương trên da.

Không chỉ lợn bệnh mà ngay cả con vật khỏe mạnh cũng có thể chứa khuẩn liên cầu. Trong quá trình con người giết mổ, vi khuẩn từ vùng họng con vật có thể vấy bẩn lên tiết canh. Các vi khuẩn sinh sôi nảy nở và xâm nhập vào các bộ phận khác như thịt, phổi. Người ăn những bộ phận này chưa được nấu chín cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn.

Những triệu chứng ban đầu có thể nhẹ, không đặc trưng như đau bụng, sốt, buồn nôn, nôn và đi ngoài phân lỏng, dễ khiến nhiều người chủ quan là các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường nên đến viện chậm trễ.

Các trường hợp nặng hơn với biểu hiện đau đầu, sốt cao, nôn, suy giảm ý thức, tri giác lơ mơ, xuất hiện ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ. Một số trường hợp nguy kịch có diễn biến nhanh và nặng với biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, rối loạn đông máu.

Chưa kể, khi ăn tiết canh, nguy cơ nhiễm chất độc từ máu các động vật rất cao. Con vật bị cắt tiết có cả máu đen lẫn máu đỏ mà người chế biến không phân biệt được. Máu đen là chất thải độc của con vật, không có lợi cho sức khỏe.

Tiết canh - Món ăn 'khoái khẩu' tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nghiêm trọng - 2
Ảnh minh họa: Internet

Thực tế, tiết canh không mát và bổ huyết, cũng không có tác dụng chữa bệnh trong Đông y như nhiều người lầm tưởng. Hơn thế, không cần ăn dài ngày, chỉ tiêu thụ tiết canh một lần vẫn nguy cơ nhiễm bệnh.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên giữ môi trường sống sạch sẽ, ăn uống hợp vệ sinh, không ăn thức ăn chưa nấu chín như gỏi cá, tiết canh; luôn rửa tay sạch với xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh. Hạn chế thả rông lợn, nếu nuôi lợn phải tuân thủ những quy trình xử lý phân, hay ngăn cách địa điểm nuôi với môi trường sống; tẩy giun sán định kỳ.

Khi thấy trong người có các biểu hiện như đau nhức đầu liên tục, chóng mặt, mất ngủ, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

PN (SHTT)