Vì sao cần tiến hành nghi lễ tạ mộ cuối năm?
Người Việt từ xưa có câu “Sống cái nhà, chết cái mồ”. Người Việt coi trọng mộ phần, coi đây là nhà của người đã khuất.
Cứ mỗi khi năm hết Tết đến, người ta cần sửa sang, quét dọn nhà cửa cho khang trang đẹp đẽ để đón Tết, thì đối với mộ phần của người thân cũng cần được sửa sang như vậy. Vì thế, các gia đình thường duy trì tục lệ đi tạ mộ cuối năm.
Ý nghĩa lễ tạ mộ cuối năm là nhớ ơn tổ tiên, mời người thân đã khuất về ăn Tết. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường cố gắng trở về cố hương vào dịp này để tạ mộ, sum họp với gia đình.
Đây cũng là cách để con cháu cảm ơn thần linh, thổ địa khu vực có mộ phần suốt thời gian qua đã chiếu cố cho người thân của mình. Việc này tương tự như con cháu làm lễ tạ thần linh, thổ địa gia tiên, tiền chủ nơi nhà đang sống dịp cuối năm.
Theo quan niệm dân gian, sở dĩ có lễ tạ mộ vào dịp cuối năm không chỉ đơn giản là cúng lễ tạ “các cụ” nhà mình, mà nên hiểu đủ là tạ ơn phật thánh, quan thần linh bản địa, chư vị tôn thần… đã cho các cụ nương nhờ mảnh đất đó. Nhờ vậy các cụ mới dễ dàng “đi về” mà phù hộ cho con cháu sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt.
Người Việt ta có tín ngưỡng tâm linh, tin tưởng sâu sắc vào mối liên kết đặc biệt giữa 2 phần Âm – Dương. “Âm siêu, Dương thái”, nếu như chăm sóc tốt phần Âm thì sẽ được ông bà tổ tiên phù hộ, còn nếu bỏ bê thờ cúng chăm sóc mộ phần thì người cõi trần có thể phải gánh chịu những hậu quả nặng nề khi không được tổ tiên che chở.
Những ai nên đi tạ mộ cuối năm?
Vào ngày làm lễ tạ mộ, con cái trong nhà, không phân biệt trai gái, dù là đi làm ăn xa cũng sẽ trở về để làm lễ. Trước kia những công việc này thường chỉ có các Đinh, tức nam giới trong gia đình, họ tộc tham gia nhưng ngày nay thì lệ đó không còn nữa.
Cha mẹ cũng có thể cho con nhỏ đi theo tạ mộ, vừa là để cho con cháu biết dần vị trí mộ phần của người thân nhà mình, vừa là để giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo, tinh thần uống nước nhớ nguồn, kính trọng và hiếu đễ với tổ tiên.
Tuy nhiên, 3 đối tượng dưới đây được ưu tiên hàng đầu khi đi cúng tạ mộ cuối năm. Cụ thể như sau:
1. Cao niên trong gia tộc - Người không thể thiếu
Theo lệ thường, lễ cúng tạ mộ thường do cao niên trong gia tộc đảm nhiệm, vì thế họ là những người không thể thiếu trong lễ cúng này. Ở những gia đình mà các cụ già sức khỏe yếu thì sẽ do người nam lớn tuổi, trưởng thành tiến hành.
2. Thành viên mới trong gia đình - Dâu, rể
Ông bà tổ tiên ai cũng mong con cháu được sống hạnh phúc, khỏe mạnh, đông con nhiều cháu. Vì thế, các thành viên mới như con dâu, con rể đi tạ mộ cuối năm là điều nên làm. Đây là hành động thể hiện sự hiếu kính với bề trên, cũng là một hình thức "ra mắt chính thức" của một người thân mới trong gia đình.
3. Con cháu hiếu thảo, chăm ngoan, thành đạt
Đã là con cháu trong nhà, miễn là có lòng hiếu thảo, hiếu kính bề trên thì ai cũng nên đi tạ mộ cuối năm để bày tỏ điều đó.
Từ xa xưa, người ta đã coi trọng việc tu đức, người có đức cao vọng trọng, trong muôn vàn đức tính đó thì chữ hiếu đứng đầu trong bảng xếp hạng, được người xưa gọi là “trăm nết thiện chữ Hiếu đứng đầu “. Vì vậy, lòng hiếu thảo của một người là yêu cầu cơ bản nhất.
Nếu con cháu rất hiếu thảo lại thành đạt mà có lòng thành kính biết ơn tổ tiên thì đó thực sự là nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ và phát triển.
Ai không nên đi tạ mộ cuối năm?
Lễ tạ mộ cuối năm được tiến hành ở mộ phần, nghĩa trang, là nơi khá hoang vắng, âm khí vượng… nên nếu muốn đi tạ mộ thì đầu tiên cần phải xem xét về vấn đề sức khỏe.
Những người đang ốm yếu, mắc bệnh, phụ nữ có thai, phụ nữ trong kì “đèn đỏ”… thường sức khỏe không được tốt bằng người bình thường. Ngay cả người bình thường, nếu cảm thấy sức khỏe không ổn thì cũng nên hạn chế đến những nơi nhiều âm khí, càng nên hạn chế tham gia những hoạt động ở nghĩa trang như làm lễ tạ mộ.
Theo quan niệm dân gian, trẻ nhỏ dưới 10 tuổi yếu bóng vía, hay bị ma quỷ “trêu”, cũng không nên đi cùng người lớn ra nghĩa trang, làm lễ cúng tạ mộ cuối năm.
Những điều kiêng kị này đã được truyền lại từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên, những điều này không hoàn toàn là mê tín mà phần nào đó cũng có cơ sở khoa học. Nghĩa trang thường được đặt ở nơi xa khu dân cư, ít người sinh sống, lại là nơi chôn cất nên không khí cũng lạnh hơn nơi ở bình thường, người nào sức đề kháng kém dễ bị nhiễm lạnh.
Thời điểm cuối năm ở miền Bắc là mùa đông, thời tiết khắc nghiệt hơn, nếu không cẩn thận cũng dễ mắc các bệnh thời khí.
Nếu không chú ý đến những điều này, đi cúng tạ mộ về ốm đau, bệnh tật lại tưởng là phạm phải cấm kị, bị thần linh, tổ tiên “quở trách”, bị ma tà “ám”… rồi lại thành miếng mồi ngon cho những chiêu trò mê tín dị đoan.
Hiểu được ai nên và không nên đi tạ mộ cuối năm để chủ động sắp xếp người tiến hành nghi thức này cho phù hợp.
Những điều cần lưu ý khi làm lễ cúng tạ mộ cuối năm
Tạ mộ cuối năm vào ngày nào? Làm lễ như nào cho đúng? Thời gian làm lễ cúng không quá khắt khe, chính vì thế gia đình có thể tùy thuộc vào điều kiện của gia đình, cũng như xem xét thêm về vấn đề sức khỏe và thời tiết. Tốt nhất nên chọn ngày tạnh ráo, ấm áp để lễ cúng được diễn ra thuận lợi và suôn sẻ nhất.
Không nên đi tạ mộ vào ngày trời mưa gió, sấm chớp… dễ gây nguy hiểm. Với những gia đình ở miền Bắc, mùa đông khắc nghiệt nên dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, chớ nên làm lễ vào những ngày rét mướt đại hàn.
Khi đi tạ mộ, tránh đi vào lúc quá sớm, khi sương đêm còn chưa tan hết, cũng không nên đi khi trời đã muộn, chiều tối nhập nhoạng và đêm âm khí nặng, đi lại cũng khó khăn, dễ gây nguy hiểm.
Khi làm lễ phải giữ lòng thành kính, không nên cười đùa cợt nhả, không nên nói to nói lớn, bất kính với người đã khuất. Cha mẹ nếu đưa con nhỏ đi theo thì nên để mắt trông coi con trẻ, tránh để trẻ vô tình làm điều bất kính hay chạy nhảy nô đùa lung tung, vấp ngã mà bị thương.
Không nên ngồi lên trên mộ, dễ gây ra hình ảnh phản cảm, bất kính với người đã khuất. Cũng không nên tranh thủ tập thể dục, dưỡng sinh, ngồi thiền ở nơi nghĩa trang, hàn khí xâm nhập vào người dễ gây bệnh tật.
Lễ tạ mộ cuối năm quan trọng ở tấm lòng thành kính, không nên làm lễ linh đình, tốn kém. Con cháu nhớ ơn thần linh, tổ tiên nên làm lễ cúng chứ không phải để khoe mẽ, chớ nên đặt nặng về hình thức, càng không nên đốt nhiều vàng mã, vừa tốn kém mà vừa cổ xúy cho lệ mê tín dị đoan.
Đồ cúng lễ không nên hạ lễ rồi hưởng lộc, ăn đồ cúng ở ngay nghĩa trang. Thực phẩm để ngoài trời thời gian dài, tiếp xúc với môi trường nơi mộ phần không được vệ sinh, ăn vào dễ gây ra các vấn đề về sức khỏe, không tốt cho hệ tiêu hóa.
Sau khi đi tạ mộ về, nên dùng vỏ bưởi, bồ kết đốt lên để hơ qua người cho ấm, cũng là để tránh hơi lạnh bám vào người. Ngoài ra, có thể lấy gừng đun nước tắm, vừa để làm ấm người, vừa để xua đi hàn khí, âm khí nơi mộ phần.
Một điều nữa cần ghi nhớ khi đi làm lễ cúng tạ mộ, đó là luôn nhớ kĩ việc này là để thể hiện lòng hiếu kính, tưởng nhớ người đã khuất. Con cháu phải giữ tâm thành kính, làm những điều thiện lành để hồi hướng công đức cho ông bà, tổ tiên và người thân đã mất. Hãy để tục lệ tốt đẹp này được lưu truyền chứ đừng trở nên biến chất và biến mất.
PN (SHTT)