Những đại kỵ khi đi tạ mộ cuối năm
Người xưa cũng quan niệm, năm mới đến, mọi thứ đều cần sửa sang mới mẻ, ngay cả với khu phần mộ của người đã khuất. Bởi vậy, tạ mộ cuối năm là phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt nhằm bày tỏ lòng tôn kính, sự hiếu thuận, đạo lý uống nước nhớ nguồn với người thân đã khuất.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho rằng, tùy theo phong tục từng nơi mà việc tạ mộ tiến hành theo gia đình, dòng họ, dòng tộc…Trước khi tiến hành, gia chủ cần chọn ngày giờ phù hợp để dâng hương kỉnh cáo tại ban gia tiên trước.
Khi đi tạ mộ cuối năm ta sẽ phải dọn dẹp sạch sẽ mộ phần cũng như xung quanh cho thoáng đãng. Nếu như mộ đất, ta có thể đắp thêm cho đầy đặn và cắt hết cỏ dại xung quanh ngôi mộ. Chúng ta chú ý có một số hạt giống rơi vào mộ của chúng ta, nếu không nhổ đi thì sau khoảng một thời gian mọc sâu xuống có thể phá hỏng mộ, nhất là với cây có dễ chùm.
Tiếp đó là cúng khấn tạ mộ cuối năm ở miếu thần linh và mộ phần của người thân. Nếu nghĩa trang không có miếu thần linh, ta làm lễ cúng thần linh ở khoảng đất trống ở bên cạnh mộ. Sau khi làm lễ cúng thỉnh cầu vong linh tiền tổ về đón năm mới cùng gia đình, chủ nhân nên đi thắp hương cho các ngôi mộ ở trong dòng họ của mình cũng như các ngôi mộ xung quanh thêm ấm cúng, thể hiện lòng thành kính. Nghĩa trang có những nấm mồ vô chủ, người đi tạ mộ cũng nên thắp nén nhang với tâm chân thành.
Các chuyên gia phong thủy đã nhấn mạnh về đại kỵ khi đi tạ mộ cuối năm mà nhiều gia đình có thể không biết đến:
+ Tránh đi tạ mộ quá sớm hoặc quá muộn là thời điểm dễ bị nhiễm lạnh.
+ Không nên tùy tiện, giẫm đạp lên các phần mộ xung quanh. Nếu phần mộ xung quanh của mộ nhà chúng ta là trẻ nhỏ thì chỉ nên thắp hương, không nên để bánh kẹo, quà, đồ chơi… với người không quen biết vì theo tâm linh không tốt.
+ Khi đã đến nghĩa trang, trường hợp có miếu thờ thần linh thổ địa của nghĩa trang, cần dâng hương tại đây trước. Điều này thể hiện lòng thành kính của gia chủ hướng tới chư vị thần linh cai quản cả toàn bộ khu vực. Sau đó chúng ta mới tiến hành với khu tiểu mộ của chúng ta. Khi sắp lễ, dâng hương xong mới xin phép chỉnh chang, sửa lại mộ phần và chú ý khi thực hiện tránh giẫm lên những phần mộ xung quanh. Đồng thời dọn dẹp sạch sẽ để tránh ảnh hưởng tới các phần mộ khác.
Lễ vật cần có khi đi tạ mộ ngày cuối năm
Lễ tạ mộ cuối năm thường được tiến hành sau khoảng thời gian rước ông Công ông Táo về trời. Tùy theo điều kiện, thời tiết thuận lợi, các gia đình có thể chọn thời điểm đi tảo mộ, tạ mộ. Còn nếu chọn ngày giờ đẹp, theo chuyên gia phong thủy, trong tháng Chạp có 3 ngày phù hợp để chúng ta đi tạ mộ:
+ Ngày 3/2 (24 tháng Chạp). Tiến hành vào khung giờ Thìn 7 – 9h và giờ Mùi 13 – 15h.
+ Ngày 6/2 (tức 27 tháng Chạp). Tiến hành vào khung giờ Thìn 7 – 9h và giờ Thân 15 – 17h
+ Ngày 8/2 Dương lịch (29 tháng Chạp). Tiến hành vào giờ Thìn 7 – 9h hoặc giờ Mùi 13 – 15h.
Mọi người cần lưu ý, lễ vật khi đi tạ mộ cốt thành tâm, không nên làm quá linh đình tốn kém, lạm dụng đốt vàng mã. Một số lễ vật cơ bản cần có khi đi tạ mộ là hương, nến, rượu, tiền vàng, trà… Việc chuẩn bị mâm lễ chay hay mặn sẽ tùy theo điều kiện của từng gia đình. Tuy nhiên, theo quan niệm, ngày này nhiều nhà tạ mộ cúng lễ chay để hạn chế sát sinh, nhằm giúp các vong linh dễ siêu thoát hơn.
Theo Hà My (Giadinh.suckhoedoisong.vn)