Gan là một cơ quan rất quan trọng vì nó thực hiện nhiều chức năng quan trọng khác nhau. Gan đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì quá trình trao đổi chất, chuyển hóa chất dinh dưỡng từ thức ăn thành năng lượng và tổng hợp các phân tử quan trọng như protein và cholesterol. Gan lọc và loại bỏ các chất độc ra khỏi máu. Đồng thời, gan còn có chức năng tạo mật để tiêu hóa chất béo và dự trữ glycogen để dự trữ năng lượng. Gan cũng chịu trách nhiệm điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách lưu trữ hoặc giải phóng glucose theo yêu cầu của cơ thể.
Theo tờ Healthshots, nếu thấy cơ thể có những dấu hiệu sau đây, hãy lưu ý vì chức năng gan đang suy giảm.
9 dấu hiệu trên cơ thể cho thấy chức năng gan đang suy giảm
1. Mệt mỏi
Khi độc tố tích tụ quá nhiều trong cơ thể có thể gây gánh nặng cho gan. Theo tiến sĩ Pawan Rawal, một chuyên gia tiêu hóa người Ấn Độ, tình trạng này có thể khiến cho cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi.
2. Gặp các vấn đề về tiêu hóa
Các vấn đề về tiêu hóa không phải lúc nào cũng liên quan đến thực phẩm bạn tiêu thụ hàng ngày. Nếu bạn bị rối loạn chức năng gan, bạn cũng có thể bị đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy do khả năng sản xuất mật bị suy giảm.
3. Vàng da
Vàng da, vàng mắt là triệu chứng cảnh báo gan có thể bị tổn thương hoặc rối loạn chức năng. Nguyên nhân thường là do dư thừa bilirubin, một sắc tố màu vàng được tạo ra khi hồng cầu bị phá vỡ.
Thông thường, bilirubin được gan đào thải qua ống mật vào ruột để sau đó được loại bỏ khỏi cơ thể qua phân. Thế nhưng, khi chức năng gan có vấn đề, bilirubin sẽ không được đào thải đúng cách, tích tụ lại trong cơ thể và dẫn tới triệu chứng vàng da, vàng mắt.
4. Nước tiểu sẫm màu
Việc tăng bilirubin trong máu do suy giảm chức năng gan cũng có thể gây ra hiện tượng nước tiểu sẫm màu. Tuy nhiên, nếu bạn tiêu thụ quá ít nước, bạn cũng có thể có hiện tượng này.
5. Đau bụng
Các chuyên gia cho biết, cảm giác khó chịu ở vùng bụng trên bên phải cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng gan bị viêm hoặc sưng to.
6. Giảm cân không rõ nguyên nhân
Các vấn đề về gan có thể làm gián đoạn quá trình trao đổi chất, dẫn đến giảm cân không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, cơ thể bạn có thể gặp khó khăn trong việc xử lý, hấp thu chất dinh dưỡng nếu chức năng gan suy giảm. Điều này cũng có thể dẫn tới suy nhược, giảm cân.
7. Các vấn đề về da
Rối loạn chức năng gan có thể biểu hiện dưới dạng ngứa, phát ban hoặc nổi mụn trứng cá trên da. Đây là hậu quả của sự tích tụ độc tố trong cơ thể.
8. Chán ăn
Bệnh gan gây chán ăn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Khi gan bị tổn thương hoặc không hoạt động bình thường, khả năng lọc và loại bỏ độc tố khỏi cơ thể bị giảm sút, dẫn đến tích tụ độc tố trong máu và ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan khác, bao gồm cả hệ tiêu hóa. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn và không muốn ăn.
Ngoài ra, gan giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn. Do đó khi chức năng gan suy giảm, quá trình tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng, từ đó dẫn đến cảm giác chán ăn.
9. Phù
Tổn thương gan có thể gây tích tụ chất lỏng ở bụng hoặc chân. Việc giữ nước sẽ dẫn đến sưng, phù ở các bộ phận này của cơ thể.
Làm gì để gan luôn khoẻ mạnh?
Để giữ cho lá gan luôn khoẻ mạnh, bạn có thể áp dụng những phương pháp sau:
- Có chế độ ăn lành mạnh: Chọn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tránh rượu bia và các chất kích thích.
- Tăng cường thực phẩm hỗ trợ chức năng gan như trà xanh, các loại rau củ có màu xanh đậm.
- Uống đủ nước: Nước giúp loại bỏ độc tố qua nước tiểu.
- Kiểm soát cân nặng: Béo phì có thể gây gánh nặng cho gan, do đó duy trì cân nặng lý tưởng là cần thiết để giữ cho gan luôn khỏe mạnh.
- Tập thể dục đều đặn: Giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và hỗ trợ quá trình đào thải độc tố.
- Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại: Bảo vệ mình khỏi các hóa chất công nghiệp và chất độc có trong môi trường bằng cách sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân khi cần thiết.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp kiểm soát được các vấn đề về chức năng gan.
Tuy nhiên, nếu thấy cơ thể có các dấu hiệu cảnh báo chức năng gan có vấn đề, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp nêu trên, bạn cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán bệnh.
Theo Lam Chi (Đời Sống & Pháp Luật)