Xăng dầu tăng giá liên tiếp 4 lần, vì sao quỹ bình ổn không được sử dụng?

11/07/2024 11:15:08

Giá bán lẻ xăng dầu gần đây đã bốn lần tăng liên tiếp nhưng cơ quan điều hành vẫn không sử dụng quỹ bình ổn, vì sao?

Giá xăng E5RON92 chiều 4.7 tăng 450 đồng/lít, lên mức 22.460 đồng/lít; xăng RON95 tăng 540 đồng/lít, lên 23.550 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 490 đồng/lít, dầu hỏa tăng 600 đồng/lít, dầu mazut tăng 90 đồng/kg. Như vậy, giá xăng trong nước đã có phiên tăng thứ 4 liên tiếp.

Lý giải về nguyên nhân tăng giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, thị trường xăng dầu thế giới trong kỳ điều hành lần này (từ ngày 27.6 đến ngày 3.7) chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Trong đó, nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng cao tại Mỹ trong giai đoạn cao điểm của mùa du lịch hè, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, Ukraine tiếp tục tấn công vào kho chứa dầu của Nga, lo ngại xung đột lan rộng tại khu vực Trung Đông.

Liên Bộ Tài chính - Công Thương đánh giá rằng, các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có xu hướng tăng.

Đáng chú ý, trong kỳ điều hành lần này, liên bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục không trích lập, đồng thời không chi Quỹ bình ổn đối với tất cả mặt hàng xăng dầu. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao việc giá xăng dầu liên tiếp tăng, nhưng quỹ bình ổn giá xăng dầu lại "bất động"?

Xăng dầu tăng giá liên tiếp 4 lần, vì sao quỹ bình ổn không được sử dụng?
Ảnh minh họa: Internet

Giải thích về việc này, VTC News dẫn lời ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu cho biết, quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập và sử dụng theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2021//TT-BTC. Theo đó, quỹ được sử dụng khi chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ liền kề trước tăng từ 7% trở lên. Khi giá giảm hơn 5%, quỹ được trích thêm, ngoài 300 đồng/lít như quy định. Đối chiếu các kỳ gần đây, mức chênh lệch đều dưới 7%.

Ông Bảo cũng khẳng định, việc giá xăng tăng nhiều lần liên tiếp trong thời gian gần đây là điều hết sức bình thường và không tác động đáng kể đến nền kinh tế.

“Chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng vào quỹ bình ổn, bởi quỹ chỉ được sử dụng trong trường hợp rất cần thiết. Còn hiện nay, khi giá xăng dầu không tác động nhiều đến kinh tế - xã hội và nằm trong biên độ cho phép thì việc không sử dụng quỹ là hợp lý. Cơ quan điều hành phải tính mức giá ở thời điểm tăng chứ không phải là tăng bao nhiêu lần”, ông Bảo nói.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu xuất hiện từ nhu cầu bình ổn giá xăng dầu ở Việt Nam, trong điều kiện chúng ta còn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, quỹ bộc lộ nhiều bất cập ví dụ nhiều lúc giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến với biên độ lớn thì quỹ bị âm. Hoặc việc quản lý và sử dụng quỹ bị buông lỏng.

Theo nhiều chuyên gia, việc điều chỉnh giá với chu kỳ 7 ngày/lần sẽ khiến mức độ biến động giá giữa 2 kỳ điều chỉnh cơ bản không còn lớn. Vì thế nên bỏ quỹ để giúp giảm thiểu rủi ro và bất cập trong quản lý quỹ như thời gian qua. Bởi giá xăng dầu hiện nay phụ thuộc vào giá thị trường, nhưng việc hình thành quỹ là từ nguồn lực của người dân đóng góp.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, theo quy định của Luật Giá, xăng dầu là một trong bốn mặt hàng thuộc đối tượng quản lý phải bình ổn giá. Do đó, trong dự thảo nghị định không thể bỏ quỹ bình ổn giá mà vẫn duy trì cơ chế này để khi áp dụng biện pháp bình ổn giá sẽ sử dụng các công cụ trích lập, chi sử dụng quỹ. Việc này đã được quy định rõ trong luật và các văn bản hướng dẫn, nên cần phải thực hiện theo đúng quy định.

Theo các chuyên gia nhận định, trong trường hợp vẫn duy trì quỹ bình ổn giá thì Nhà nước cần trực tiếp quản lý nguồn quỹ thay vì trao quyền cho các doanh nghiệp đầu mối như hiện nay. Giải pháp này nhằm khắc phục tình trạng thương nhân đầu mối lợi dụng sử dụng quỹ trái quy định.

PN (SHTT)