Nhiều cửa hàng xăng dầu vẫn bán nhỏ giọt
Sáng 18.2, Huyền Trân (TPHCM) đi đổ xăng tại một cửa hàng xăng dầu ở địa chỉ 679 đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức, TPHCM. Trân đề nghị đổ đầy bình xăng cho xe gắn máy (khoảng 80.000 đồng).
Tuy nhiên, một nhân viên ở đây cho biết, hiện xăng E5 RON 92 của cửa hàng còn ít, nên hiện chỉ bán tối đa cho mỗi người đi xe máy với mức 50.000 đồng/lượt. Nhân viên cũng giải thích thêm hiện cửa hàng chưa nhập hàng về kịp nên bán hạn chế.
Được biết, tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ trên địa TPHCM những ngày qua cũng diễn ra ở một số cửa hàng xăng dầu khác.
Ngày 17.2, cơ quan chức năng cũng ghi nhận việc tạm ngừng bán xăng tại một số thời điểm do thương nhân phân phối cung cấp xăng cho cửa hàng thiếu hụt nên không đủ nguồn hàng. Cụ thể là cửa hàng Biên Khoa (số 908 Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình); cửa hàng doanh nghiệp tư nhân Phú Hoàng (địa chỉ số 3A Bàu Cát, quận Tân Bình, TPHCM).
Tại Hà Nội, tình trạng thiếu xăng dầu không xảy ra phổ biến như các tỉnh miền Nam, song, doanh nghiệp cũng than nguồn cung nhỏ giọt, chiết khấu thấp.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Cửa hàng bán lẻ xăng dầu La Khê (Công ty TNHH Xăng dầu Xuân Thắng) cho biết, mặc dù thời điểm này, nguồn cung xăng dầu gặp nhiều khó khăn, nhưng công ty vẫn cố gắng bán đủ cho khách hàng.
"Theo tôi biết, một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cũng hạn chế nhập khẩu vì giá cao, càng nhập nhiều càng lỗ. Trong khi đó, thị phần tiêu thụ nội địa lại tăng cao, việc nguồn cung khan hiếm là điều dễ hiểu", ông Thắng nói.
Vị này cho rằng, để đảm bảo đủ xăng dầu bán cho người dân, ông đã "lệnh" cho nhân viên bán hàng chỉ bán cho những phương tiện tham gia giao thông trực tiếp. Tuyệt đối không bán cho những trường hợp mua gom số lượng lớn bằng thùng, bằng can để tích trữ.
Giá xăng tiếp tục tăng cao trong kỳ điều chỉnh tới
Khó khăn về nguồn hàng nhập, các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng gặp thế khó khác là mức chiết khấu đã về 0 đồng với tất cả mặt hàng xăng, dầu.
"Hiện tại, chúng tôi không được một đồng chiết khấu nào khi nhập xăng dầu. Thêm vào đó, chúng tôi phải mất nhiều chi phí cho việc vận chuyển xăng dầu đến cửa hàng. Chúng tôi đã phải bù lỗ khoảng 700-800 đồng/lít.
Thứ nữa, hiện nay, nguồn cung xăng dầu rất khó khăn, tại mỗi cửa hàng, chúng tôi chỉ có thể cung cấp một khoang để phục vụ khách hàng. Các đầu mối xăng dàu lớn hầu như hạn chế, không bán cho các thương nhân", ông Minh - một thương nhân phân phối xăng dầu ở Hà Nội nói.
Ông Minh tính toán, kỳ điều hành giá tiếp theo vào ngày 21.2 giá xăng sẽ tiếp tục tăng mạnh trên 1.000 đồng/lít. Bởi, đến hôm nay (18.2), ông dự tính giá xăng đã phải tăng lên mức 700-800 đồng/lít.
Báo cáo tình hình kinh doanh xăng dầu tại TPHCM, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cũng cho biết, hiện nay chiết khấu của một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn chỉ được ở mức 80-200 đồng/lít, thậm chí có tình trạng cửa hàng không được chiết khấu.
"Cửa hàng gặp khó khăn trong việc mua hàng từ các đại lý, thương nhân phân phối nên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều đại lý có tâm lý tạm ngưng kinh doanh để giảm lỗ", lãnh đạo Sở này nói.
Ông Phương kiến nghị Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ có phương án điều chỉnh giá xăng dầu linh động hơn. Bình thường 1 tháng 3 kỳ, nhưng trong trường hợp giá xăng dầu biến động quá nhanh thì phải điều chỉnh kịp thời.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, xu hướng diễn biến giá dầu thế giới đang rất phức tạp trước biến động địa chính trị, căng thẳng Nga - Ukraine và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) vẫn giữ kế hoạch sản xuất 400.000 thùng một ngày...
"Hiện mỗi thùng dầu WTI đã vượt 94 USD, giá dầu Brent trên 96 USD mỗi thùng và nhiều dự báo giá dầu thô vượt 100 USD... Việc này tiếp tục ảnh hưởng tới xu hướng giá trong nước tới đây, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi "vừa nhập hàng về đã lỗ", ông Đông nói.
Cũng theo ông Đông, Bộ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đầu mối, thương nhân phân phối cung cấp các số liệu liên quan tới lượng hàng mua trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu trong nước; lượng xăng dầu thực tế các đơn vị sản xuất trong nước đã giao từ đầu năm 2022 đến nay cũng như cập nhật kế hoạch cung cấp xăng dầu cho thị trường, kế hoạch nhập khẩu...
"Từ dữ liệu này, chúng tôi sẽ tính toán tổng nguồn, giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu để đảm bảo nguồn trong nước khi rơi vào kịch bản xấu nhất" - lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Theo Cường Ngô (Lao Động)