Trong kỳ điều chỉnh mới nhất, giá mỗi lít xăng A95 đã chạm 25.320 đồng, xăng E5 cao nhất là 24.570 đồng, giá các loại dầu cũng tăng mạnh. Việc giá nguyên liệu đầu vào như xăng dầu tiếp tục leo thang, trong khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục gây áp lực khủng khiếp đối với doanh nghiệp vận tải.
Chia sẻ trên VTC, ông Tô Quang Học, Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học - đơn vị có nhiều đầu xe chuyên chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình cho hay, doanh nghiệp đang “vò đầu bứt tai” tìm phương án kinh doanh khi giá nhiên liệu liên tục tăng chóng mặt.
Xăng dầu chiếm 30 - 40% đơn giá vận chuyển nên việc nhiên liệu đầu vào tăng giá chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Hiện doanh nghiệp đang phải tính toán lại giá cước vận chuyển cho những chuyến xe sắp tới. Tuy nhiên, việc này không dễ, bởi mỗi chuyến chỉ lèo tèo vài khách.
“Hai năm nay, doanh nghiệp lao đao vì dịch COVID-19 kéo dài. Nay giá xăng dầu tăng cao kỷ lục không còn là nỗi lo nữa mà là ác mộng thật sự với ngành vận tải”, ông Học nói.
Tương tự, trên Tiền phong, ông Lương Kim Hải (nhà xe Sao Nghệ) lo lắng, trong bối cảnh doanh nghiệp gần như kiệt quệ vì dịch bệnh, nay giá xăng dầu tăng chẳng khác nào cú đánh bồi đẩy họ đến bờ vực phá sản. “Giờ chúng tôi cũng không biết làm thế nào. Tiếp tục chạy thì thua lỗ, nghỉ thì lấy đâu ra tiền trả lãi vay ngân hàng, mà bán xe lúc này cũng chẳng ai mua”, ông Hải nói.
Ông Nguyễn Xuân Đạt - Giám đốc Cty Cổ phần Vận tải và Thương Mại Vạn Xuân kể, dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực, không còn đủ sức để hỗ trợ người lao động. “Giá xăng dầu tăng, khách đi xe ít, người lao động không có việc làm. Hiện, 50% số lượng phương tiện của DN hoạt động, doanh thu chỉ đạt 15% - 20% so với trước khi xảy ra dịch, trong khi vẫn phải trả gốc, trả lãi ngân hàng và nhiều chi phí khác”, ông Đạt nói.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, chia sẻ trên Người lao động, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho rằng, Bộ Công Thương cần có các động thái cần thiết trong việc điều hành, bình ổn giá xăng dầu, nhất là trong bối cảnh cả nước đang hồi phục kinh tế. Đại diện doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Tài chính, đề xuất Chính phủ xem xét cơ cấu về thuế, phí và các công cụ linh hoạt hơn để điều hành giá xăng dầu, giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Cũng ghi nhận từ báo trên, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết điều hành xăng dầu Liên Bộ Công Thương - Tài chính luôn phải bám sát nguyên tắc hài hòa lợi ích doanh nghiệp, Nhà nước, người dân.
Theo ông Đồng, ngay khi nắm được tình hình Nghi Sơn, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các Sở Công Thương, doanh nghiệp đầu mối chủ động nguồn hàng, chỉ đạo các đầu mối tăng nhập khẩu ngay. Chúng tôi cũng đã có cuộc làm việc với Nghi Sơn, Bình Sơn để đưa công suất tăng lên.
Sau khi làm việc với bên, ngày 28-1, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Chính phủ ngày báo cáo về tình hình thế giới, trong nước và trong đó có kiến nghị cho phép Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm điều hành giá xăng dầu cho kỳ điều hành tới.
Theo ông Trần Duy Đông, sau khi tính toán, cân nhắc các mục tiêu khác như cân đối ổn định vĩ mô, tránh tăng giá mặt hàng này dịp Tết, tạo áp lực lên lạm phát, tính toán của cơ quan thống kê, CPI tháng 1 tăng 1,94%, trong khi xăng dầu chiếm tỉ trọng cao trong rổ tính CPI.
Do đó, việc điều hành mặt hàng này phải tính toán tổng thể, hài hòa các yếu tố ổn định vĩ mô, lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân. "Điều hành sớm mà giảm giá thì không sao, còn tăng giá sẽ gặp phản ứng từ dư luận và không có lợi cho người dân trong bối cảnh giá cả dịp Tết Nguyên đán tăng cao"- ông Đông nhấn mạnh, thông tin trên Người lao động.
PN (Nguoiduatin.vn)