Trao đổi với báo chí mới đây, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho biết, trước thông tin Bamboo Airways tái cơ cấu, giảm máy bay, đường bay, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch tăng máy bay, sắp xếp để thu hút nhân lực dư thừa từ Bamboo Airways chuyển sang.
Theo ông Hà, việc sử dụng nhân sự của hãng khác không chỉ là cạnh tranh, còn là hỗ trợ khi đơn vị khác khó khăn, vì sự phát triển chung của ngành.
Việc thu hút, sử dụng nhân sự của Bamboo Airways sẽ được Vietnam Airlines cân đối phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của hãng. Trước mắt là ưu tiên tuyển dụng các vị trí lao động chất lượng cao mà hãng đang cần. Tuy nhiên, Vietnam Airlines cũng phải tính toán, cân đối trong tổng thể, khi chính công ty con của hãng là Pacific Airlines cũng gặp khó khăn phải tái cơ cấu, thu hẹp đội máy bay, dư nguồn lực.
Bên cạnh đó, Pacific Airlines mới đây đã ký hợp tác để cung cấp dịch vụ mặt đất cho Bamboo Airways ở các sân bay nội địa, như làm thủ tục lên máy bay; bốc xếp hành lý; xe chở hành khách; xe thang và xe đẩy máy bay… Thực tế, Pacific Airlines đang cung cấp dịch vụ mặt đất tại 3 sân bay lớn là Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TPHCM) và Đà Nẵng, chính hãng này cũng tiến hành tái cơ cấu, giảm máy bay, nên nguồn lực mặt đất có thể dư thừa để phục vụ thêm các hãng khác có nhu cầu.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Vietnam Airlines, một số cổ đông đã đặt câu hỏi cho ban điều hành hãng về việc tận dụng thu hút thêm nhân sự người Việt từ Bamboo Airways, đặc biệt là phi công, tiếp viên; hay kế hoạch để hãng giành thị phần do Bamboo Airways để lại. Trước khi gặp khó khăn, Bamboo Airways công bố hãng chiếm khoảng 20% thị phần vận tải khách hàng không nội địa.
Trả lời câu hỏi của cổ đông, CEO Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, việc Bamboo Airways giảm quy mô đội máy bay và đường bay đã tác động mạnh lên thị trường hàng không cả nội địa và quốc tế của Việt Nam. Thời gian qua, Vietnam Airlines đã chủ động bổ sung nguồn lực để tăng tải cung ứng các đường bay quốc tế và nội địa, bù đắp sự sụt giảm cung ứng của Bamboo Airways để lại.
“Đây cũng là cơ hội cho Vietnam Airlines lấy lại một phần thị trường khách hàng không, thực tế hãng đã thực hiện và mang lại hiệu quả cho hoạt động thời gian vừa qua”, ông Hà nói.
Trong ngắn hạn, Vietnam Airlines có thể sẽ điều chỉnh lại kế hoạch bán máy bay theo hướng lùi thời gian so với định hướng trước đó, cùng đó là đám phán thuê thêm một số máy bay mới. Giải pháp này sẽ giúp hãng có thêm đội máy bay nhằm tăng cường khai thác trên các đường bay và sử dụng nhân sự từ việc cắt giảm của Bamboo Airways.
Ngoài Vietnam Airlines, được biết, các kế hoạch tương tự liên quan tới cạnh tranh giành thị phần và thu hút nhân lực chất lượng cao từ Bamboo Airways cũng đang được hãng hàng không nội địa khác triển khai. Sẽ không ngạc nhiên khi thời gian tới, một số hãng hàng không còn tiềm lực sẽ tiếp tục nhận thêm máy bay và mở đường bay mới để "trám" vào khoảng trống Bamboo Airways để lại.
Được biết, do khó khăn về tài chính, Bamboo Airways đã phải giảm số lượng máy bay từ 30 chiếc xuống còn 9-10 chiếc, cùng đó là dừng gần như toàn bộ các đường bay quốc tế, chỉ còn duy trì bay nội địa. Mới đây, Chính phủ đã có những cuộc họp, chỉ đạo liên quan tới hỗ trợ hãng này tái cơ cấu.
Khó khăn của hãng này gặp phải một phần do tác động của dịch COVID-19, một phần tới từ việc Chủ tịch hãng bay là ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, tạm giam liên quan tới hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Ngoài ra, từ khi tham gia thị trường (năm 2019), Bamboo Airways đã liên tục dùng "đòn bẩy" tài chính để tăng máy bay, mở rộng thị trường, báo lãi, nhưng thực tế hãng này không trực tiếp sở hữu máy bay nào, tất cả máy bay đều dưới dạng đi thuê.
Theo Lê Hữu Việt (Tiền Phong)