Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) chiều 8/12 công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 sau nhiều lần trì hoãn. Theo đó, doanh thu năm 2022 vượt kế hoạch nhưng tiếp tục lỗ nặng năm thứ 3 liên tiếp.
Cụ thể, Vietnam Airlines lỗ hơn 11.223 tỷ đồng trong năm 2022, cao hơn so với số lỗ 10.400 tỷ đồng theo báo cáo tự lập được công bố từ hồi đầu năm 2023.
Trong năm 2021, hãng này lỗ 13.279 tỷ đồng. Còn trong năm 2020, Vietnam Airlines lỗ 11.178 tỷ đồng.
Như vậy, trong 3 năm liên tiếp 2020-2022, Vietnam Airlines lỗ tổng cộng 35.680 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm 2022, Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu 11.056 tỷ đồng.
Nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục âm, HVN sẽ bị hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp.
Hồi tháng 2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã đưa ra cảnh báo cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết nếu lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ âm hoặc vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm.
Theo lý giải của Vietnam Airlines, hãng chưa thể thoát lỗ là do thị trường quốc tế hồi phục chậm, cộng thêm các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột Nga-Ukraine và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất). Trên thực tế, trong năm 2022 Trung Quốc mở cửa nhưng dè dặt hơn dự kiến.
Trên sàn HOSE, cổ phiếu HVN nằm trong diện hạn chế giao dịch và gần đây tiếp tục trong danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Trong quý III/2023, theo báo cáo tự lập, Vietnam Airlines lỗ 2.203 tỷ đồng giảm lỗ so với mức lỗ 2.546 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây là quý lỗ ròng thứ 15 liên tiếp kể từ quý I/2020.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Vietnam Airlines lỗ 3.535 tỷ đồng, so với mức lỗ hơn 7.784 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Doanh thu tăng
Mặc dù lỗ nhưng trong năm 2022, Vietnam Airlines có doanh thu hợp nhất đạt hơn 70.792 tỷ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch mà đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp này đề ra và gấp 2,5 lần kết quả năm 2021.
Trên thực tế, hoạt động vận chuyển khách nội địa và quốc tế hồi phục sau đại dịch. Đây là yếu tố đã giúp các hãng không trong đó có Vietnam Airlines và VietJet có tăng thu.
Trong quý III/2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần ghi nhận đạt 23.569 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 67.627 tỷ đồng, tăng trưởng tới 32,3%.
Như vậy, dù thua lỗ nhưng Vietnam Airlines có doanh thu tăng khá ấn tượng. Doanh thu quốc tế tăng mạnh nhờ thị trường khu vực châu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt.
Trong thời gian qua, theo Vietnam Airlines, thị trường vận tải từng bước phục hồi và tổng công ty chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn như điều hành linh hoạt cung ứng tải vận chuyển, cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ,…
Dù vậy, hoạt động kinh doanh vận tải vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc)… và các yếu tố chiến tranh, rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh.
Hồi đầu tháng 11, Vietnam Airlines đã công bố lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát. Theo đó, HVN đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đề án, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh.
Mặt khác, doanh nghiệp sẽ tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)