Theo ADB, năm 2021, tăng trưởng GDP của Việt Nam vào khoảng 6,7%, tiếp theo là Singapore và Malaysia 6,0%, Philippines và Indonesia 4,5%, Thái Lan 3%.
ADB dự báo năm 2022 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục đứng thứ nhất Đông Nam Á với khoảng 7% tính đến tháng 4/2022, tiếp theo là Malaysia khoảng 5,7%, Philippines 5,5%, Indonesia 5%, Thái Lan 4,5% và Singapore 4,1%.
Đây là mức tăng trưởng mạnh và vững chắc nhờ các biện pháp chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả của Chính phủ đã có tác động lớn trong việc bảo vệ nền kinh tế khỏi đại dịch COVID-19 trong năm ngoái. Năm 2020, trong khi Việt Nam tăng trưởng 2,9% thì cả Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines đều tăng trưởng âm (từ -2,1% đến -9,6%).
Nếu như vậy, Việt Nam sẽ có 3 năm liên tiếp dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế, với tổng tăng trưởng GDP gộp 3 năm, từ 2020-2022 của các nước dẫn đầu ASEAN 6 theo thứ tự là: Việt Nam 17,78%, Indonesia 7,42%, Malaysia 5,77%, Singapore 4,39%, Thái Lan 1,07% và Philippines -0,34%.
Tính chung trên bình diện Châu Á, tăng trưởng kinh tế 3 năm liên tiếp của Việt Nam luôn đứng trong top 3, nhưng tính tổng cả 3 năm thì Việt Nam lại tăng trưởng GDP cao nhất Châu Á. Tổng 3 năm 2020-2022 theo thứ tự là Việt Nam 17,78%, Trung Quốc 16,67%, Tajikistan 15,76% và Ấn Độ vào khoảng 9,27%.
Trên Facebook cá nhân, ông Đỗ Cao Bảo - Thành viên HĐQT của tập đoàn FPT nhận xét: "Trước đây nhiều người cứ bi quan cho rằng Việt Nam không thể nào đuổi kịp các nước vì “mình tăng thì họ cũng tăng”, thế nhưng cứ theo đà này: Việt Nam tăng mạnh, các nước khác tăng chậm hoặc không tăng, thì việc đuổi kịp và vượt chỉ là vấn đề thời gian".
Đồng thời, Việt Nam với mức GDP tăng trưởng 2,9% cũng là một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm qua. Đặc biệt, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong năm nay sẽ là công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư gia tăng và mở rộng các hoạt động thương mại.
Cụ thể, công nghiệp dự báo sẽ tăng 9,5% trong năm 2021, đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Khu vực này đã có bước khởi động mạnh mẽ ngay trong quý I/2021, tăng 6,3% so với 3 tháng đầu năm 2020.
Nông nghiệp tăng 2,7% so mức 2% năm 2019, nhờ tích cực xúc tiến xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu ngành (như chuyển từ trồng lúa sang các loại cây công nghiệp có giá trị cao và chăn nuôi), và khu vực tư nhân năng động.
Nông nghiệp đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong năm ngoái và đây là mức tăng trưởng rất tốt trong bối cảnh lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng, xâm nhập mặn gia tăng và nhu cầu bên ngoài giảm mạnh, báo cáo của ADB nhận định.
Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, đầu tư gia tăng cũng sẽ là một động lực tăng trưởng then chốt trong năm nay và năm sau. Bên cạnh việc kiểm soát dịch COVID-19 thành công, Luật Đầu tư được ban hành tháng 1/2021 cũng làm giảm bớt các rào cản quy định về kinh doanh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng 17,8% trong quý I/2021 so cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhờ đầu tư tư nhân, vốn đã tăng đáng kể, với yếu tố xúc tác là mặt bằng lãi suất thấp và chi tiêu công tăng.
Bên cạnh đó, các chương trình cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và sự tham gia của Việt Nam vào vào 15 hiệp định thương mại tự do lớn với hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới góp phần khiến đà tăng trưởng tiếp tục khả quan. Mức xuất siêu 2 tỷ USD trong quý I/2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo sẽ tăng 8% trong năm nay và năm tới.
Một số triển vọng tích cực khác có thể kể đến như khu vực dịch vụ được dự báo sẽ phục hồi tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2021, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Tăng trưởng khu vực dịch vụ đến từ tiến trình chuyển đổi số, tăng chi tiêu vào vaccine COVID-19, niềm tin kinh doanh cải thiện và mặt bằng lãi suất thấp.
Xây dựng cũng sẽ tăng nhanh khi chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng lớn trong năm 2021 và lãi suất thấp kích thích hoạt động xây dựng bất động sản.
Chỉ số quản trị mua hàng tăng 53,6% trong tháng 3, mức cao nhất tính từ tháng 1/2019. Tiêu dùng cá nhân dự báo sẽ phục hồi song song với đầu tư tư nhân và lạm phát thấp. Bán lẻ tăng 5,1% trong quý I/2021, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đã phục hồi.
Lòng tin của doanh nghiệp gia tăng, phản ánh qua kết quả điều tra doanh nghiệp tháng 12/2020, trong đó 80% doanh nghiệp được điều tra dự báo tình hình kinh doanh trong năm 2021 sẽ khá hơn hoặc giữ ở mức ổn định.
Tăng trưởng tín dụng cũng sẽ cải thiện trong năm 2021, được hỗ trợ bởi các đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2020 và nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp phục hồi.
Kết luận, mức tăng trưởng chung cho cả năm 2021 của 45 nước tại châu Á - Thái Bình Dương theo báo cáo của ADB là 7,3%. Tỷ lệ này cao hơn mức dự báo trước đó là 6,8% nhưng giảm 0,2% so với dự báo đưa ra năm ngoái.
ADB nâng mức dự báo tăng trưởng với các nước đang phát triển ở châu Á trong năm nay, căn cứ vào các chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 đang diễn ra và nhu cầu thúc đẩy xuất khẩu mạnh trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, ADB cũng cảnh báo các đợt bùng phát dịch bệnh có thể đe dọa sự phục hồi kinh tế thế giới nói chung và sự hồi phục của châu Á nói riêng cũng sẽ mang tính chắp vá. "Một số nền kinh tế sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi phải kiềm chế dịch bệnh COVID-19 và các biến thể mới của nó", ADB nhận định.
Theo Hải Yến (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)