Tỷ phú Phạm Nhật Vượng xây thành phố bậc nhất Đông Nam Á, tính vụ tỷ USD ở Mỹ

28/04/2021 10:49:43

Doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng bất chấp đại dịch Covid-19. Giới đầu tư hồi hộp chờ một cú bứt phá từ dự án có một không hai tại Việt Nam ở vào một thời điểm bước ngoặt.

Công ty Cổ phần Vincom Retail (VRE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021. Cụ thể, DN quản lý mảng cho thuê mặt bằng bán lẻ của Tập đoàn Vingroup ghi nhận doanh thu hợp nhất trong quý I/2021 tăng 32% lên 2.226 tỷ đồng, trong đó phần lớn đến từ hoạt động cho thuê bất động sản đầu tư. Mảng chuyển nhượng bất động sản ghi nhận doanh thu hơn 450 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 781 tỷ đồng, tăng 58,7% so với cùng kỳ.

Trong quý liền trước, quý cuối 2020, Vincom Retail cũng đã bất ngờ báo lãi kỷ lục với hơn 970 tỷ đồng bất chấp Covid-19 khiến ngành bán lẻ thế giới chứng kiến sự sụt giảm chưa từng. Ngày bán lẻ Việt Nam hồi phục tốt hơn nhờ việc kiểm soát dịch trong nước được thực hiện tốt.

Trong quý I/2021, trong bối cảnh Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tổng quan ngành bán lẻ ghi nhận phục hồi tích cực về cả sức mua tiêu dùng và sự phát triển về quy mô cửa hàng của các thương hiệu bán lẻ. Nhiều thương hiệu trong nước và quốc tế đã khai trương thêm cửa hàng trong hệ thống TTTM Vincom như H&M, Haidilao Hot Pot, Pandora…

Trong tuần qua, Vincom Retail đã chính thức đưa vào hoạt động "Thành phố giải trí 24/7" Grand World cùng lúc siêu quần thể Phú Quốc United Center được khai trương. VRE sẽ khai thác mô hình du lịch mua sắm tại Việt Nam và kỳ vọng lượng du khách lớn trong mùa cao điểm du lịch.

Việc khai trương "Thành phố giải trí 24/7" Grand World ngay mùa cao điểm du lịch được xem là cú huých cho Vincom Retail. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp trên thế giới, nhất là tại Ấn Độ và các nước ở biên giới Tây Nam Việt Nam có thể ảnh hưởng tới triển vọng của VRE. Vincom Retail được biết đến là đơn vị cung cấp mặt bằng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. Tính đến cuối quý I/2021, Vincom Retail sở hữu và vận hành 80 trung tâm thương mại tại 43 tỉnh và thành phố trên toàn quốc, tổng diện tích sàn bán lẻ đạt khoảng 1,7 triệu m2.

Việc Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khai trương khu quần thể nghỉ dưỡng giải trí quy mô hàng đầu Đông Nam Á được kỳ vọng đưa Phú Quốc của Việt Nam sánh ngang với các khu vực ăn chơi, giả trí hàng đầu trên thế giới như đảo Jeju của Hàn Quốc hay Las Vegas của Mỹ.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng xây thành phố bậc nhất Đông Nam Á, tính vụ tỷ USD ở Mỹ
Vincom Retail có thêm mặt bằng bán lẻ tại khu mua sắp 24/7.

Gần đây, theo Bloomberg, Tập đoàn Vingroup (VIC) đang xem xét đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ đối với công ty sản xuất ô tô VinFast, dự kiến huy động khoảng 2-3 tỷ USD.

VinFast kỳ vọng vào mức định giá ít nhất 50 tỷ USD sau khi niêm yết. Mức cao có thể lên tới 70-75 tỷ USD. Với mức định giá này, vốn hóa của VinFast sẽ vượt hãng xe danh tiếng Ferrari (vốn hóa 52 tỷ USD), Honda (51 tỷ USD), Ford (49 tỷ USD), Kia (30 tỷ)… và chỉ thua một số hãng nổi tiếng như Tesla, Toyota, Volkswagen, Mercedes Benz, GM, BMW…

Trong mảng điện thoại di động, Vingroup cũng đạt nhiều kết quả tích cực, với số lượng điện thoại Vsmart bán trong nước liên tục tăng cao trong cả năm qua cho dù tập đoàn tư nhân số 1 Việt Nam mới bước vào thị trường smartphone từ 2018. Hiện Vingroup đã trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau Samsung Electronics và Oppo.

Thông tin trên trang web của nhà mạng hàng đầu của Mỹ - AT&T gần đây đã xuất hiện hình ảnh giá cả của những chiếc điện thoại thông minh đầu tiên của Vingroup, một minh chứng cho kế hoạch tấn công vào thị trường điện thoại thông minh của Mỹ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Trong vài năm gần đây, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng phải rút khỏi nhiều lĩnh vực như bán mảng bán lẻ cho tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và gần đây là tặng Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ cho Tập đoàn Giáo dục Văn Lang cho dù đạt rất nhiều thành tích trong các lĩnh vực này.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index giảm nhẹ xuống dưới ngưỡng 1.220 điểm.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo MBS, trong phiên hôm qua thanh khoản giảm và hệ số tăng/giảm cũng đang kém đi với hiệu ứng sắp nghỉ lễ. Về kỹ thuật, thị trường vẫn dao động trên vùng đáy của nhịp tăng điểm, xu hướng tăng vẫn không thay đổi. Tuy vậy nhìn nhận thị trường một cách khách quan thì thị trường trong nước tiếp tục đi ngang trong khi thông tin hỗ trợ trong nước cũng không có gì mới.

Với bối cảnh trong và ngoài nước như hiện nay thì khả năng tạo sóng tăng mới là chưa rõ ràng trong khi thị trường có khả năng có thể sẽ tiếp tục nhịp sideway hẹp tích lũy trong khoảng từ 1.200-1.250 điểm. Vì vậy không cần phải vội vàng, cứ quan sát thị trường đi vào vùng tích lũy rồi tính tiếp.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/4, chỉ số VN-Index tăng 3,98 điểm lên 1.219,75 điểm; HNX-Index giảm 0,12 điểm xuống 280,568 điểm. Upcom-Index giảm 0,01 điểm xuống 79,41 điểm. Thanh khoản đạt 17,6 nghìn tỷ đồng.

Theo V. Hà (VietNamNet)