Tiết lộ của đại gia Trần Đình Long về chuyện về "chân dài"
Trong danh sách những người giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes công bố, Việt Nam có sự góp mặt của 6 gương mặt với tổng tài sản đạt 16,7 tỷ USD, tăng 63,7% so với danh sách năm trước đó. Điều đặc biệt của bảng xếp hạng năm nay đó là sự trở lại của ông chủ Tập Đoàn Hòa Phát Trần Đình Long.
Ông Trần Đình Long có khối tài sản trên sàn chứng khoán đạt 2,2 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 1.444. Ông Long lần đầu xuất hiện trong bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh năm 2018, tuy nhiên, những năm sau đó, ông đã không có được xướng tên.
Năm 2021, Chủ tịch Hòa Phát trở lại danh sách khi cổ phiếu của Hòa Phát (mã HPG) tăng mạnh. So với năm 2018, số tài sản của ông Long đã tăng gần 1,7 lần.
Trong một bài chia sẻ trước đó, ông Long cho biết, việc được xếp vàng bảng xếp hạng của Forbes gần như không có tác động gì đến cuộc sống thường nhật của ông. "Tôi vẫn là tôi thôi, mọi sinh hoạt không có gì thay đổi cả. Tôi vẫn làm những cái mà tôi thích chứ không phải việc mình là tỷ phú hay là gì kia thì phải giống người ta. Tóm lại là cứ làm điều mình thích thôi!", ông Long cho biết.
Vị tỷ phú tuổi trâu nhàn nhất Việt Nam này cũng nhấn mạnh thêm: "Lúc đầu thấy bình thường nhưng sau cũng vui vui vì được thế giới công nhận. Còn lần này, thấy cũng bình thường thật... Tỷ phú đô la vẫn cà phê vỉa hè. Đấy, làm tỷ phú có gì khác đâu".
Nhắc đến cà phê thì có thể thấy, điều mà Chủ tịch Hoà Phát thích là ngày 2 bữa cà phê: Một lần sau bữa sáng rồi mới đi làm, và một buổi "bốc phét xuyên trưa" với những người bạn thân ở một quán cà phê quen thuộc. "Tôi vẫn cà phê cùng bạn mỗi ngày ở cùng một địa điểm đã gặp nhau từ 20 năm trước. Mọi thứ vẫn vậy", ông nói. Và thông qua các bữa cà phê như thế, Chủ tịch của Hoà Phát bám rất sát không thiếu một biến động nào quan trọng ở các công ty thành viên.
Về thói quen sinh hoạt, ông Long thích nhất là đánh golf. "Người ta hay dùng môn này để quan hệ, còn tôi chơi 9 năm rồi nhưng tự hào chưa đi đánh golf ngoại giao với bất cứ ai bao giờ" và đặc biệt, ông rất ít đi tiếp khách, cũng ít nhậu vì "không uống được", và "tối, trừ trường hợp rất đặc biệt, còn lại tôi không đi tiếp khách, không nhậu, ăn đủ 365 bữa một năm ở nhà.
Chính vì lẽ đó là ông Long khẳng định bản thân ông không hề có "chân dài". Tờ Dân trí dẫn lời ông Long: "Có là lộ ngay. Tôi chả nói đạo đức gì đâu nhưng chân dài kiểu showbiz thì làm gì có. Sáng ngồi cà phê vỉa hè, trưa ăn cơm với anh em xong cà phê cà pháo nếu có, tuần 3 buổi đánh golf, chiều chạy bộ, cuối tuần xem bóng đá. Tối về nhà lại xem phim. Chân dài kiểu gì".
Ngoài golf, nhiều tin đồn cho rằng chủ tịch Hòa Phát là một đại gia mê siêu xe, sở hữu nhiều chiếc xe đắt giá. Tuy nhiên, thực tế lại không phải là như vậy.
Xuất hiện tại Đại hội cổ đông Hòa Phát năm 2018 chỉ 2 tuần sau khi được Forbes vinh danh, trước câu hỏi về vấn đề siêu xe, vị đại gia này cười lớn và khẳng định: "Tôi rất bình thường". "Tôi không có siêu xe đâu, tin ấy nhầm hoàn toàn. Tôi chỉ có đúng 1 chiếc xe thôi, mà đi rất chung thuỷ, dùng lâu rồi. Tôi ít thay xe lắm, khoảng 5-10 năm mới thay một lần", ông nói.
Mới đây nhất doanh nhân này cũng khẳng định lại một lần nữa câu chuyện liên quan đến siêu xe. Ông cho biết, bản thân chỉ có mỗi một chiếc Bentley: "Nhõn một cái. Mà siêu xe gì đâu. Mua lâu lắm rồi. Tôi mua lâu lắm rồi, giá tầm 2 mấy tỷ đồng. Có mỗi một cái đó thôi".
Forbes nói gì về việc kinh doanh của Hòa Phát?
Hòa Phát là một doanh nghiệp tư nhân ngành thép hàng đầu Việt Nam. Mấy năm gần đây, Hòa Phát liên tục phát triển và mở rộng thị trườn của mình, lấn sân sang các mảng ngành khác liên quan đến thép.
Trong số báo 92 phát hành tháng 4/2021, Forbes Việt Nam số có nhận xét, sau giai đoạn đầu tư vào khu công nghiệp Dung Quất, năm 2020, công ty có chuỗi sản xuất thép khép kín này có doanh thu tăng gần gấp đôi, đạt gần 120 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 78% đạt gần 18 nghìn tỷ đồng.
Thị phần công ty liên tục mở rộng qua nhiều năm, chiếm 33% vào tháng 1/2021 so với 26% cuối năm 2019. Mảng kinh doanh nông nghiệp, nhờ đầu tư khép kín cũng tăng trưởng tới 32%.
Đầu năm nay, Hòa Phát công bố đầu tư sản xuất container, bước mở rộng sản phẩm đầu cuối của chuỗi sản xuất thép. Kế hoạch sản xuất vỏ container với công suất 500.000 TEU/năm, tập trung vào các sản phẩm container phổ biến, có chiều dài 20-40 feet. Nhà máy sẽ được khởi công vào tháng 6/2021 tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, trái với không ít ý kiến quan ngại, ông Long tỏ ra rất tự tin. Theo ông Long, về bản chất, vỏ container chỉ là một sản phẩm cơ khí – vốn là lĩnh vực mà Hòa Phát đã có 30 năm kinh nghiệm, không có gì khó khăn. "Làm dự án container, tôi quy định với các bạn ở ban dự án là không được làm đắt hơn các anh bạn phương Bắc" – ông Long nói.
Kế hoạch kinh doanh khá tham vọng khi đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng gấp đôi và 33% khi lò sản xuất thép HRC mới được đưa vào hoạt động trong bối cảnh giá than luyện cốc tiếp tục thấp do căn thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Úc.
Cụ thể, năm 2021, Hoà Phát đặt kế hoạch doanh thu toàn tập đoàn dự kiến 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 18.000 tỷ đồng.
Trong quý 1/2021, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn này đạt 7.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với quý 1/2020. Đây là kỷ lục mới về lợi nhuận trong một quý của Hòa Phát suốt gần 30 năm qua. Và Hoà Phát trở thành công ty sản xuất có lợi nhuận lớn nhất tại Việt Nam (trừ trường hợp đặc biệt của Samsung).
Theo Pha Lê (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)