Ám ảnh về điểm hoán đổi lãi suất thấp kéo dài cùng nhập siêu tiếp tục tạo mốc mới...
Do dự trữ ngoại hối gia tăng và chênh lệch lãi suất giữa VND - ngoại tệ vẫn đang nghiêng về việc nắm giữ VND, nên Ủy ban Giám sát dự báo đồng VND sẽ mất giá mức độ như 6 tháng đầu năm. |
Đến thời điểm này, tròn một tháng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng giảm sâu và duy trì ở mức rất thấp. Song song, tỷ giá USD/VND vẫn rất ổn định.
Dù chỉ là một yếu tố liên quan, nhưng diễn biến lãi suất VND giảm xuống rất thấp trong một tháng qua trên thị trường liên ngân hàng gợi nhớ lại một trong những nguyên do khiến tỷ giá USD/VND bùng lên đột biến 2,5% chỉ trong chưa đầy hai tuần tháng 11/2016.
Nửa cuối tháng 11/2016, tỷ giá USD/VND tạo một “cú sốc” sau quãng ổn định trước đó. Có nguyên do từ việc tăng giá của đồng USD trên thị trường quốc tế, do nhu cầu ngoại tệ tăng cao vào thời điểm cuối năm, nhưng cũng do một số nguyên nhân nội tại.
Về biến động đó, báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương đầu năm nay từng nhấn mạnh đến nguyên do từ hạn chế trong trung hòa lượng tiền đưa ra mua ngoại tệ trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 khiến lãi suất VND liên ngân hàng giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Khi đó lãi suất VND qua đêm trên liên ngân hàng giảm xuống dưới 1%/năm, khiến điểm hoán đổi lãi suất “đô - đồng” nhiều lúc xấp xỉ bằng 0, đã khuyến khích các tổ chức tín dụng tích trữ ngoại tệ, cùng tình trạng làm giá đẩy tỷ giá tăng nhanh…
Nguyên nhân trên cũng đã xuất hiện trong một tháng trở lại đây. Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng giảm sâu và dùy trì mức thấp từ trung tuần tháng 7 cho đến nay. Lãi suất qua đêm đã rơi xuống thấp nhất 0,54%/năm. Điểm hoán đổi lãi suất đã âm.
Diễn biến trên đến sau một tháng kể khi Ngân hàng Nhà nước trở lại mua vào ngoại tệ. Tuy nhiên, ngay sau đó, nhà điều hành đã trở lại phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về, trung hòa lượng đưa ra mua ngoại tệ, cũng như điều tiết hiện tượng dư thừa vốn trong hệ thống, dù lượng hút về khá cầm chừng mức độ trong một tháng qua.
Ở một yếu tố liên quan khác, Việt Nam đã trở lại nhập siêu, mức độ nhập siêu tiếp tục tăng lên 3,1 tỷ USD sau 7 tháng đầu năm.
Thế nhưng, “bỏ qua” hai yếu tố bất lợi trên, về nhập siêu và điểm hoán đổi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND vẫn rất ổn định trong suốt tháng 7 cho đến nay.
Thậm chí tính chung từ đầu năm đến cuối tháng 7, theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tỷ giá của các ngân hàng thương mại vẫn giảm khoảng 1,3%, tỷ giá trên thị trường tự do còn giảm mạnh hơn với 1,14%, trong khi tỷ giá trung tâm đã tăng 1,24%.
“Việc chỉ số Bloomberg Dollar Index nhiều phiên giảm liên tiếp đã khiến tỷ giá USD/VND giảm đi rất nhiều áp lực. Động thái tăng tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước chỉ mang tính hỗ trợ xuất khẩu và tránh những cú sốc trong tương lai”, báo cáo gần đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định.
Cũng theo cơ quan này, trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017, yếu tố mùa vụ đến từ cầu ngoại tệ tăng cao trong các tháng cuối năm do sức ép nhập siêu có thể gây nên những tác động đến thị trường.
Tuy nhiên, do dự trữ ngoại hối gia tăng và chênh lệch lãi suất giữa VND - ngoại tệ vẫn đang nghiêng về việc nắm giữ VND, nên Ủy ban Giám sát dự báo đồng VND sẽ mất giá mức độ như 6 tháng đầu năm.
Ở các yếu tố khác, cung - cầu ngoại tệ ở các dòng chảy chính và lớn vẫn đang có tính quyết định, hỗ trợ cho việc giữ ổn định, góp phần lý giải vì sao tỷ giá USD/VND chưa bùng lên khi có những yếu tố bất lợi như cân đối lãi suất trên liên ngân hàng, nhập siêu ở mức khá cao…
Cụ thể, nguồn cung ngoại tệ vẫn được hậu thuẫn lớn từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đã thực hiện tới 9,05 tỷ USD tính đến 20/07.
Và theo báo cáo trên của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cung ngoại tệ từ nguồn vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam tiếp tục gia tăng, gắn với hoạt động mua ròng mạnh nhất trong 6 năm qua trên thị trường chứng khoán.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt gần 1,2 tỷ USD; tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của họ ước đã đạt 25,4 tỷ USD, tăng 25% so với cuối năm 2016.
Sau một tháng xuất hiện những diễn biến mới liên quan đến tỷ giá USD/VND, sự ổn định vẫn đang kéo dài. Tuy nhiên, việc lãi suất VND ở vùng rất thấp trên thị trường liên ngân hàng, cùng hoạt động điều tiết nguồn và cân đối của Ngân hàng Nhà nước tới đây vẫn là điểm cần tiếp tục theo dõi, nhất là trong tương lai không loại trừ tình huống thị trường có thể xuất hiện “cái cớ” nào đó (bên trong hoặc bên ngoài) thử thách sự ổn định của tỷ giá.