Vì sao nông sản xuất sang Trung Quốc bị siết kiểm tra?

18/08/2021 16:16:53

Từ trước đến nay, doanh nghiệp (DN) Việt xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn theo thói quen cũ, phần lớn qua đường tiểu ngạch; trái cây có thể gói trong rơm rạ, đóng thùng đơn giản… Nay phía Trung Quốc siết chặt, không ít DN trở nên bế tắc.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 17/8, ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua tại các cửa khẩu, Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam như tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm… Phía Trung Quốc yêu cầu trái cây, nông sản từ Việt Nam bắt buộc phải thuộc các vườn trái cây hoặc xưởng đóng gói được cơ quan chức năng Việt Nam đăng ký và được Tổng cục Hải quan xác nhận; DN bắt buộc phải làm thủ tục thẩm định kiểm dịch; khi khai báo hải quan phải xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của cơ quan chức năng Việt Nam.

Vì sao nông sản xuất sang Trung Quốc bị siết kiểm tra?
Kiểm tra nông sản xuất sang Trung Quốc

Chiều 17/8, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết, từ ngày 16/8 đến nay cơ bản hàng hóa xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, do một số nguồn thông tin chưa rõ ràng về diễn biến dịch COVID-19 tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, vì vậy, hoạt động thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh trong 2 ngày (16, 17/8) có thời điểm tạm dừng để cơ quan chức năng 2 bên (tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc) thực hiện hội đàm nhằm trao đổi, thống nhất các phương án để tiếp tục thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa.

Nguyễn Duy Chiến

Theo ông Vượng, do bị kiểm tra gắt gao nên thời gian thông quan so với trước chậm hơn nhiều. Hiện tại, 100% số xe nông sản chở qua thị trường này đều bị kiểm tra. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, mỗi ngày tại cửa khẩu Hữu Nghị, lượng xe chở nông sản bị “tồn đọng” lên tới 300-400 xe. Còn tại cửa khẩu Tân Thanh, vào chiều tối 16/8, phía Trung Quốc bất ngờ tạm dừng làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. Nhiều DN sau đó đã di chuyển đưa hàng sang cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, xảy ra tình trạng ách tắc, ùn ứ.

Theo ông Trịnh, không chỉ các điều kiện về an toàn thực phẩm, hiện tại phía Trung Quốc kiểm tra gắt gao điều kiện về sâu bệnh như rệp sáp gây hại trên thanh long. Theo phản ánh của DN, hàng loạt lô hàng đã bị trả lại vì lý do này.

Ngày càng bị kiểm tra nhiều

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh này, việc Trung Quốc siết chặt kiểm tra nông sản xuất khẩu từ Việt Nam cũng không phải là khó hiểu.

Cơ quan chức năng nước này tỏ ra lo ngại dịch COVID-19 lây nhiễm từ việc thông quan hàng hóa. Bên cạnh đó, một số nông sản Trung Quốc đang vào vụ thu hoạch như thanh long, nhãn…với số lượng lớn, nên có thể họ đưa ra các rào cản kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu nông sản từ các nước khác.

Theo ông Nguyên, từ trước đến nay, nông sản phần lớn xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, trái cây có thể gói trong rơm rạ, đóng trong thùng đơn giản…rồi vận chuyển, nay họ siết chặt đường tiểu ngạch, DN không đáp ứng được sẽ chịu thiệt.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt hơn 2 tỷ USD, trong đó Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Do vậy, khi thị trường này bị kiểm soát chặt đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu rau quả từ Việt Nam.

Theo ông Trung, vừa qua, đại diện Cục Bảo vệ thực vật làm việc với cơ quan chức năng Trung Quốc về vấn đề này, trong đó nhận được một số thông tin cảnh báo từ phía Trung Quốc, nhiều lô hàng của Việt Nam xuất sang nước này không đúng với mã số được cấp và không ít lô hàng được phát hiện nhiễm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Theo Thứ trưởng Tiến, trong bối cảnh này, Trung Quốc tiếp tục siết chặt các quy định, DN cần chuyển qua xuất khẩu chính ngạch và quan tâm tới các điều kiện của họ.

Theo Dương Hưng (Tiền Phong)