Mỗi ngày nhập 280 triệu USD hàng Trung Quốc
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay là 33,93 tỷ USD, tăng tới 51.6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 32.8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay. Bình quân mỗi ngày Việt Nam chi hơn 280 triệu USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Đây là mức tăng đột biến và cao nhất so với mức nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam vào Việt Nam.
Nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc với trị giá đạt 7,46 tỷ USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là nhóm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,97 tỷ USD, tăng 61%. Lâu nay, với nhóm hàng hóa này, Việt Nam vẫn nhập khẩu nhiều nhất từ Hàn Quốc và 4 tháng đầu năm 2021, lần đầu tiên, thị trường Trung Quốc vươn lên đứng đầu.
Trong 4 tháng qua, Trung Quốc cũng cung cấp nhóm nguyên phụ liệu nhiều nhất phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam, chiếm tỉ trọng 50%, với 4,19 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Sắt thép các loại có giá bán tăng đột biến từ đầu năm đến nay, Trung Quốc cũng dẫn đầu đưa vào thị trường Việt Nam 2,63 triệu tấn, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2020. Với dòng ô tô nguyên chiếc của Trung Quốc, Việt Nam nhập khẩu 6.630 chiếc, cao gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong các đối tác thương mại, Việt Nam thâm hụt thương mại lớn nhất với Trung Quốc và Hàn Quốc. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc diễn ra gần 10 năm. Nhiều loại hàng hóa, nguyên liệu đầu vào sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc. Tiêu biểu như vải, da giày, thiết bị điện, sắt thép, đến linh kiện cho ngành ô tô, xe máy.
“Dù nhập khẩu lớn nhưng xuất khẩu không nhiều, do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp FDI tiếp tục xuất siêu, làm chủ cuộc chơi, doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu. Đây là “mảng tối” trong bức tranh sáng của ngành Công Thương”.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh
Theo các chuyên gia kinh tế, máy móc từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam với kim ngạch lớn và tăng nhanh do giá rẻ, sản phẩm gia công.
“Rửa” xuất xứ hàng hóa Trung Quốc?
Lâu nay, Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trước đây, khi Chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung Quốc căng thẳng, nhiều mặt hàng Trung Quốc được nhập khẩu mạnh vào Việt Nam. Cơ quan chức năng cũng khởi tố nhiều vụ án doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm “rửa” xuất xứ hàng hóa trước khi tái xuất khẩu. Nhiều cơ quan quản lý nhà nước từng cảnh báo về thực trạng này. Bộ Công Thương từng yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc để có giải pháp ứng phó kịp thời trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang. Hàng hóa từ Trung Quốc có thể sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác như Việt Nam, nhằm tiêu thụ với giá rẻ, thậm chí gắn mác xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 208,2 tỷ USD, tăng 30,7% với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 104,9 tỷ USD, tăng 29,6% (tương ứng tăng 23,9 tỷ USD), và nhập khẩu đạt 103,3 tỷ USD, tăng 31,8% (tương ứng tăng 24,92 tỷ USD). Như vậy, trong 4 tháng đầu năm 2021 cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 1,63 tỷ USD.
Với 33,9 tỷ USD Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc thì quốc gia láng giềng này đã chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng tới 51,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 16,3 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc hơn 17,6 tỷ USD, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2020.
PV
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), số liệu về hàng hóa nhập khẩu phản ánh thực tế nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị vi tính, điện tử và phụ tùng tăng vọt. Điều này cho thấy, khu vực doanh nghiệp trong nước có nhiều dấu hiệu mở rộng đầu tư, nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị để đầu tư là chính. Bên cạnh đó là hoạt động lắp ráp, gia công cũng tăng mạnh. Rõ ràng có thể nhận định, khu vực doanh nghiệp trong nước đang gia tăng nhập khẩu máy móc sản xuất thời hậu COVID-19.
“Dù nhập khẩu lớn nhưng xuất khẩu không được nhiều do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp FDI tiếp tục xuất siêu, làm chủ cuộc chơi, doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu. Đây là “mảng tối” trong bức tranh sáng của ngành Công Thương”, ông Thịnh cảnh báo.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, cả nhập khẩu và xuất khẩu tăng trở lại cho thấy kinh tế có dấu hiệu lạc quan. Nhập khẩu tăng có thể do nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng, đồng thời xuất khẩu cũng tăng nên có nhu cầu nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu. Mặt khác, mặt hàng linh kiện doanh nghiệp Việt Nam nhập về là để lắp ráp rồi xuất khẩu.
Theo Ngọc Linh (Tiền Phong)