Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lào Cai cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, phía Trung Quốc thực hiện kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với các loại hàng hóa nhập khẩu được vận chuyển cả bằng container lạnh và container thông thường do lo ngại dịch bệnh dẫn đến kéo dài thời gian thông quan tại cửa khẩu, làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Theo ông Duy, từ ngày 18/7, sau khi tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thông báo phát hiện mẫu dương tính với SARS-CoV-2 trên xe chở thanh long, các doanh nghiệp nước này đã chủ động dừng nhập khẩu mặt hàng này qua cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu (Trung Quốc). Một số doanh nghiệp có hàng tồn tại Lào Cai đã chủ động đưa hàng sang các cửa khẩu khác của tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn để xuất khẩu dẫn tới lưu lượng tại các cửa khẩu biến động, tăng đột biến. Hiện, không ít mặt hàng trái cây khác xuất sang thị trường này cũng bị ảnh hưởng.
Không chỉ đối với trái thanh long, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, đầu tháng 8, Trung Quốc tiếp tục thông báo phát hiện mẫu virus SARS-CoV-2 trên sản phẩm măng cụt của Việt Nam khi xuất khẩu qua cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai). Do vậy hiện nay cơ quan chức năng nước này kiểm soát rất chặt hàng nông sản nhập khẩu vào. Trước đây chỉ kiểm tra xe hàng, nay từng thùng hàng phải phun khử trùng, lượng hàng đi chậm. Ngoài ra, 100% xe chở nông sản của Việt Nam đều phải kiểm tra.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay chưa có căn cứ khoa học nào khẳng định việc virus SARS-CoV-2 trên vỏ bao bì, nông sản, thực phẩm lây sang người. Theo Thứ trưởng Tiến, khi Trung Quốc kiểm tra SARS-CoV-2 trên sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang nước này, Bộ NN&PTNT đã đề nghị phía Trung Quốc bỏ qua bước này để tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu.
Tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Tiến, sau khi nhận được thông tin Trung Quốc phát hiện virus SARS-CoV-2 trên các thực phẩm nhập khẩu, từ bao bì đóng gói tôm đông lạnh từ Ecuador; cánh gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil; thịt bò đông lạnh của Argentina…, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y lấy mẫu thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và bao bì đóng gói thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ 15 nước trên thế giới để xét nghiệp. Song kết quả cho thấy tất cả 171 mẫu thực phẩm và bao bì đóng gói thực phẩm đều âm tính với virus SARS-CoV-2.
Trong bối cảnh này, Thứ trưởng Tiến đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu hàng qua Trung Quốc cần thường xuyên cập nhật các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại...
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học cho thấy thực phẩm hay chuỗi thực phẩm góp phần trong sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) và Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng ra tuyên bố chung nói rằng không có bằng chứng về việc mắc COVID-19 từ thực phẩm hay bao bì thực phẩm.
Để gỡ vướng cho hàng hóa nông sản các tỉnh phía Bắc (từ Thừa Thiên – Huế trở ra), Bộ NN&PTNT thành lập tổ công tác đặc biệt phía Bắc do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm tổ trưởng (0913.571.785); ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (0902.055.077) làm tổ phó, và đầu mối là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.
Theo Minh Thành (Tiền Phong)