Từ 0h ngày 1/4, sau khi áp dụng giảm thuế môi trường, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 1.021 đồng/lít còn 27.309 đồng/lít và xăng RON 95 giảm 1.039 đồng/lít còn 28.153 đồng/lít.
Trên cơ sở thực hiện nghị quyết số 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 1-4 đến 31-12-2022.
Theo đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép giảm 2.000 đồng/lít nhưng giá xăng trong nước ở đợt điều chỉnh này lại có mức giảm thấp hơn.
Lý giải việc giá xăng dầu không giảm tương ứng với mức giảm thuế, Tuổi trẻ đưa tin, Bộ Công thương cho rằng do giá xăng dầu thế giới, nhất là giá các loại dầu có mức tăng cao.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành ngày 1/4 tăng 3-15% với kỳ trước. Cụ thể, 126,837 USD/thùng với xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) tăng 4,04%; 130,550 USD/thùng với xăng RON 95 tăng 3,74%; 140,727 USD/thùng với dầu diesel tăng 15,03%...
Do đó, liên bộ Công thương - Tài chính đã phải sử dụng kết hợp công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức hợp lý (điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu) để giảm giá xăng và hạn chế mức tăng của giá dầu so với mức tăng của giá thế giới.
Theo đó, nếu thuế bảo vệ môi trường như mức cũ, giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành này sẽ tăng từ 1.069 - 2.789 đồng/lít, kg (cụ thể xăng E5RON92 tăng 1.069 đồng/lít, xăng RON95 tăng 1.161 đồng/lít, dầu diesel tăng 2.547 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.789 đồng/lít, dầu mazut tăng 1.606 đồng/lít).
Trao đổi với Zing về giải pháp kìm giá xăng, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá việc giá xăng dầu đã được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, giúp giảm áp lực lạm phát và hỗ trợ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, với việc giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu ở mức cố định chưa thực sự linh hoạt bởi thị trường xăng dầu thế giới vẫn còn nhiều bất ổn như áp lực lạm phát thế giới tăng, cuộc chiến ở Ukraine có khả năng kéo dài với những biện pháp trừng phạt và đối phó của Nga thì giá dầu vẫn có khả năng tăng cao", ông nói.
Trong điều kiện đó, chuyên gia này cho rằng nếu giảm thêm 10% thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ thể hiện tính linh hoạt hơn so với mức giảm cố định 2.000 đồng/lít xăng và phản ánh đúng sự biến động giá cả của thị trường xăng dầu thế giới.
TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh cơ quan nhà nước vẫn cần ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc giảm áp lực lạm phát năm nay mặc dù chỉ số lạm phát 3 tháng đầu năm không quá tạo ra áp lực, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong nước chưa cao.
"Với kết quả kinh tế quý I có thể tạm yên tâm về áp lực lạm phát cuối năm nhưng nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn. Nếu Chính phủ không quyết tâm và có các giải pháp linh hoạt trong việc điều tiết các mặt hàng chiến lược ảnh hưởng đến chi phí đầu vào sản xuất có thể gây áp lực lên lạm phát", ông nói.
Trước đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nếu giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng thì sẽ phải tính giảm thêm các công cụ thuế, phí khác và kết hợp các chính sách an sinh, xã hội...
PN (Nguoiduatin.vn)