Vì sao công ty vợ đại gia Lê Phước Vũ bán vội cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen?

22/05/2018 15:37:50

Bất chấp cổ phiếu HSG đang giảm sâu và bốc hơi 50% trong vòng 4 tháng, công ty Tâm Thiện Tâm, do bà Hoàng Thị Hương Xuân, vợ của đại gia Lê Phước Vũ, liên tục đăng ký bán cổ phiếu và thoái toàn bộ vốn tại Tập đoàn Hoa Sen.

Công ty TNHH MTV Tâm Thiện Tâm vừa báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen. Theo đó, hết thời gian đăng ký từ 19.4 đến 17.5.2017 Tâm Thiện Tâm đã bán xong 5 triệu cổ phiếu, giảm lượng sở hữu sau giao dịch xuống còn hơn 19,21 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 5,49%. Giao dịch thực hiện theo phương thức thỏa thuận/khớp lệnh.

Liên tục thoái vốn bất chấp cổ phiếu về đáy

Trong tháng 1.2018, Công ty Tâm Thiện Tâm của bà Hoàng Thị Xuân Hương đã bán bớt 5 triệu cổ phiếu HSG khi giá cổ phiếu đang ở mức khoảng 25.000-28.000 đồng/cổ phiếu, trước khi về mức đáy 3 năm.

Ngay sau khi bán xong, Tâm Thiện Tâm tiếp tục đăng ký bán nốt hơn 19,21 triệu cổ phiếu còn lại, lần này là theo phương thức thỏa thuận. Thời gian giao dịch dự kiến từ 23.5 đến 21.6.2018. Nếu giao dịch này thành công, công ty Tâm Thiện Tâm sẽ không còn sở hữu cổ phiếu HSG nào nữa.

Công ty Tâm Thiện Tâm là công ty do bà Hoàng Thị Hương Xuân, vợ ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen làm Chủ tịch. Bà Hoàng Thị Hương Xuân cũng là em gái ông Hoàng Đức Huy, Phó TGĐ Tập đoàn Hoa Sen. Công ty TNHH MTV Tâm Thiện Tâm, cổ đông lớn thứ 4 tại Tôn Hoa Sen (HSG).

Hiện tại, các cổ đông lớn nhất tại HSG gồm: Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen (25,1%), Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen (20,25%), ông Lê Phước Vũ (10,7%), Công ty Tâm Thiện Tâm (5,49%)…

Vì sao công ty vợ đại gia Lê Phước Vũ bán vội cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen?
 Công ty Tâm Thiện Tâm do bà Hoàng Thị Hương Xuân, vợ ông Lê Phước Vũ làm Chủ tịch đăng ký thoái sạch vốn khỏi tập đoàn Hoa Sen 

Điều đáng nói, Tâm Thiện Tâm đăng ký bán sạch số lượng cổ phiếu HSG trong thời điểm cổ phiếu này đã giảm xuống đáy 3 năm và bốc hơi hơn 50% trong vòng khoảng 4 tháng qua, khiến vốn hóa thị trường của HSG mất hơn 5.000 tỷ đồng. Tính đến phiên giao dịch ngày 22.5, cổ phiếu HSG giảm còn 12.550 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, vợ chồng ông Lê Phước Vũ và các doanh nghiệp do họ sở hữu đã nhiều lần mua vào bán ra cổ phiếu.

Ông Lê Phước Vũ được xem là rất may mắn khi bán thỏa thuận thành công gần 10 triệu cổ phiếu HSG ở mức giá đỉnh: bình quân 32.000 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 300 tỷ đồng hồi đầu tháng 6.2017. Giao dịch được thực hiện sau khi ông Vũ lăn chốt nhận cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu tỷ lệ 55% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%, với tổng cộng nhận thêm khoảng 20 triệu đơn vị.

Trong năm 2014, công ty riêng của vợ chồng ông Lê Phước Vũ cũng liên tục mua vào và bán ra cổ phiếu HSG.

Vì sao Tâm Thiện Tâm vội vã thoái vốn?

Các doanh nghiệp ngành thép gần đây gặp khá nhiều khó khăn do mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thép trong nước ngày càng khốc liệt; trong khi việc xuất khẩu ra nước ngoài cũng gặp khó.

Quyết định áp thuế cao đối với thép nhập khẩu nước ngoài (tăng khoảng 10 lần lên 25%) khiến thị trường thế giới chấn động. Tỷ phú Việt ngành thép được dự báo cũng sẽ gặp khó khăn bởi chính sách bảo hộ của ông Donald Trump.

Riêng tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ gặp khó khăn hơn khi Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú USD Trần Đình Long lớn mạnh và đang gấp rút triển khai đại dự án Dung Quất. Thép Kyoei thâu tóm Thép Việt Ý, gia tăng thị phần thép miền Bắc cùng HPG cạnh tranh vị trí số 1.

Trước đó, Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ đã công bố kết quả kinh doanh quý 1.2018 với lợi nhuận thuần chỉ đạt 115 tỷ đồng, bằng 1/5 cùng kỳ và lợi nhuận chỉ đạt 87 tỷ đồng. Đây là con số thấp nhất trong vòng 4 năm qua của tập đoàn này.

Bên cạnh đó, tổng vay nợ của Tập đoàn Hoa Sen là 15.795 tỷ đồng, tăng hơn 3.945 tỷ đồng so với đầu kỳ. Trong đó, nợ ngắn hạn 12.646 tỷ đồng, tăng hơn 3.600 tỷ đồng so với hồi đầu kỳ. Do vay nợ ngân hàng tăng đã đẩy chi phí lãi vay quý này của Tập đoàn Hoa Sen lên 216 tỷ đồng, tăng tới 70% so với cùng kỳ. Riêng trong quý này, mỗi ngày ông Lê Phước Vũ phải trả lãi vay ngân hàng mỗi ngày hơn 2,4 tỷ đồng.

Trên thị trường tôn mạ, thị phần của Tập đoàn Hoa Sen từ mức 40,9% năm 2012 đã xuống chỉ còn 33,1% năm 2016. Xu hướng giảm thị phần này là đáng báo động và một nguyên nhân quan trọng đó là tốc độ tăng trưởng đầu tư của Hoa Sen đã thấp hơn tốc độ tăng trưởng đầu tư của toàn ngành.

Không những thế, vị trí đầu ngành ở mảng tôn mạ của ông Lê Phước Vũ còn bị đe dọa nghiêm trọng khi mà trong 2 năm gần đây, HPG của tỷ phú Trần Đình Long bất ngờ tấn công rất mạnh vào mảng này, trong khi đó Tôn Nam Kim và Tôn Đông Á đang đẩy mạnh đầu tư và giành giật thị trường.

Điều này khiến Hoa Sen phải thay đổi chiến lược, chuyển sang tăng vay nợ để mở rộng đầu tư, hạ giá bán nhằm lấy lại thị phần. Chiến lược này bước đầu đã thành công khi thị phần Hoa Sen đã hồi phục lên 34,3% trong năm 2017 nhưng đổi lại, lợi nhuận năm ngoái của Hoa Sen đã giảm 11,5% và tiếp tục giảm sâu trong năm nay.

Do vay nợ nhiều, Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đối mặt với tình trạng nợ tăng vọt, lên gấp 3 lần vốn chủ sở hữu, do phải đẩy mạnh đầu tư để chiếm và giữ thị phần tôn thì HPG của ông Trần Đình Long lại có tỷ lệ nợ rất an toàn, chỉ bằng 0,6 lần so với vốn chủ sở hữu.

Trong khi đó, vị trí số 2 trên thị trường ống thép đang bị Hòa Phát bỏ xa và có thể còn tụt xa hẳn so với doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long khi mà dự án trọng điểm mang tính quyết định đến triển vọng của HSG là Đại dự án thép Cà Ná, Ninh Thuận đang vướng mắc, trong khi Đại dự án thép Dung Quất của ông Trần Đình Long đang được triển khai dồn dập.

Theo Nguyễn Ngân (Dân Việt)