Đây là lý do khiến ông Lê Phước Vũ tự tin nói “ngu gì không làm thép”?

08/09/2016 14:09:00

Giá điện cho sản xuất ở mức thấp, cộng thêm các thiết bị và nguyên vật liệu được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc… giúp giảm chi phí đầu vào là cơ sở để các doanh nghiệp thép tự tin khi đầu tư vào lĩnh vực này.

Giá điện cho sản xuất ở mức thấp, cộng thêm các thiết bị và nguyên vật liệu được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc… giúp giảm chi phí đầu vào là cơ sở để các doanh nghiệp thép tự tin khi đầu tư vào lĩnh vực này.
 
Đây là lý do khiến ông Lê Phước Vũ tự tin nói “ngu gì không làm thép”?

Ngay sau khi có thông tin Ninh Thuận đồng ý cho một dự án thép có quy mô lên tới 10 tỷ USD, thì Tập đoàn Hoa Sen là chủ đầu tư của Dự án thép Hoa Sen – Cà Ná cũng chính thức tiến hành cuộc họp cổ đông bất thường để thông qua kế hoạch đầu tư.

Có tới 97% tỷ lệ cổ đông thông qua dự án này cũng những lời tuyên bố hùng hồn của ông Lê Phước Vũ khiến dư luận đặt ra không ít hoài nghi. Cũng bởi, khi những lùm xùm của một tổ hợp dự án thép là Formosa Hà Tĩnh vì sự cố môi trường chưa qua đi, thì việc rót vốn lên tới 10 tỷ USD để làm một tổ hợp thép khác tại miền Trung, với công suất lên 16 triệu tấn/năm đặt ra nhiều lo ngại.

Mặc dù đi qua bão dư luận, song Chủ tịch Tôn Hoa Sen cho rằng đây là cơ hội thị trường và không thể nào chậm hơn được. Bởi khi nhìn vào lợi nhuận mà Tập đoàn Hòa Phát trong quý vừa rồi đã thu về, lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, ông cho rằng “ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư”.

Đúng như những gì mà ông Vũ đã tuyên bố, dự án Hoa Sen – Cà Ná được tập đoàn này xem là mục tiêu chiến lược, là dự án tối ưu nhất để giúp Hoa Sen sản xuất khép kín, hướng tới mục tiêu là doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ của các chuyên gia thì các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hiện nay đang có rất nhiều thuận lợi bởi các chính sách ưu đãi được đưa ra. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ngành thép là ngành tiêu tốn nhiều năng lượng nên với giá điện cho sản xuất của Việt Nam hiện được định giá thấp, sẽ rất có lợi cho nhà đầu tư trong việc giảm chi phí đầu vào.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam thì cho rằng với định hướng phát triển công nghiệp, cần thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, thì không chỉ Việt Nam mà nhiều nước còn đưa ra chính sách giá năng lượng thấp. Tuy nhiên với những ngành tiêu tốn rất nhiều năng lượng như ngành thép thì cần phải đặt ra các rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào kỹ thuật với các sản phẩm, máy móc thiết bị nhập khẩu phục vụ cho hoạt động này.

“Cần phải khuyến khích các nhà máy thép trong việc đổi mới và cải tiến kỹ thuật hiện đại. Đồng thời, phải đặt ra những rào cản kỹ thuật yêu cầu các DN phải nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều bất cập về vấn đề này và chưa có những rào cản về công nghệ để giảm tiêu hao năng lượng” – ông Long nói.

Câu chuyện ngành thép tiêu tốn nhiều năng lượng, tiêu hao sản xuất lớn đã khiến nhiều chuyên gia trong ngành thép, nhiều lần khuyến cáo phải đổi mới công nghệ. Theo một lãnh đạo trong ngành thép, đa phần các lò luyện hiện nay dưới 1.000m3, và hiện chỉ có Trung Quốc sản xuất thiết bị nên các doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu từ nước này. Chi phí cho thiết bị cũng rẻ hơn sẽ là cơ hội giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư, xây dựng, tức là giảm chi phí giá thành.

Mỗi năm, ngành Thép tiêu thụ khoảng 6% tổng năng lượng tiêu thụ của ngành công nghiệp Việt Nam. Suất tiêu hao điện bình quân gần gấp đôi so với Nhật Bản. Nguyên nhân là do công nghệ luyện phôi thép ở Việt Nam chủ yếu là lò điện, công suất thấp, lạc hậu nên suất tiêu hao năng lượng còn cao.

Với những dự án có quy mô lớn như của Hoa Sen, nếu được thông qua chắc chắn sẽ có những chính sách ưu đãi đầu tư. Thông tin từ một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, dự án này sẽ có những ưu đãi như hạ tầng, xây dựng cảng gắn với tổ hợp thép…

Theo C.An (Cafef.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật