VEPR: GDP tăng 6,65% năm 2018

16/01/2018 15:09:17

Theo VEPR, nhiều vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế chưa được giải quyết sẽ tạo thành lực cản cho quá trình tăng trưởng trong tương lai.

Câu chuyện tăng trưởng và những vướng mắc trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một trong những chủ đề nổi bật tại buổi công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý IV/2017, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng nay (16/1).

Theo tính toán của VEPR, tăng trưởng kinh tế năm 2018 được dự báo chỉ đạt 6,65%, thấp hơn mức 6,81% của năm 2017 với lạm phát duy trì ở ngưỡng 4%. Trong đó, tăng trưởng kinh tế theo quý sẽ tăng dần với mức thấp nhất vào quý I/2018 là 6,02% và cao nhất vào quý IV với 7,27%.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, kinh tế vĩ mô tuy đã có sự ổn định, nhưng nhiều vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để. Điều này sẽ vẫn là lực cản đối với nền kinh tế trong tương lai. Trong đó, 3 vấn đề được VEPR nhấn mạnh là năng suất lao động, thâm hụt ngân sách và sự phụ thuộc vào khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

VEPR: GDP tăng 6,65% năm 2018
VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ đạt 6,65%, thấp hơn mức tăng 6,81% của năm 2017. Ảnh: VEPR

“Động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động. Năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/4 Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan”, báo cáo của VEPR nhận định về vấn đề đầu tiên của nền kinh tế. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao năng suất lao động trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay.

Nhắc đến vấn đề năng suất lao động, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng năng suất lao động Việt Nam được cải thiện sẽ phụ thuộc vào sự chuyển dịch giữa các ngành có năng suất thấp sang ngành năng suất cao và chuyển dịch nội ngành, tuy nhiên không có nhiều kết quả được ghi nhận trong năm 2017.

Phần lớn sự chuyển dịch ngành và nội ngành trong năm vừa qua phụ thuộc vào nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi khối doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

"Nhóm doanh nghiệp FDI chiếm tới 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 72% giá trị xuất khẩu và đóng góp 20% GDP. Chính nhóm này mới tạo ra đóng góp chính vào tăng trưởng và sự thay đổi của năng suất lao động. Còn động lực chính được nói đến gần đây là khối doanh nghiệp tư nhân hầu như không có chuyển biến", ông Tuyển nói.

Nhắc đến câu chuyện này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng tình hình phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân phải nhìn từ 2 khía cạnh, phía doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận đúng thì tình hình này "đáng lo hơn là đáng khen".

VEPR: GDP tăng 6,65% năm 2018 - 1
Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển và Phạm Chi Lan. Ảnh: VEPR

"Số doanh nghiệp đăng ký mới tăng lên nhưng số doanh nghiệp ra khỏi thị trường vẫn còn rất cao. Đây là những doanh nghiệp đã có hoạt động, có đóng góp mà vẫn không trụ được", bà Lan nhận định và cho rằng, sức ép từ hội nhập và tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" vẫn là những nguyên nhân chính.

Tuy nhiên, bà Lan cũng đánh giá đã có những chuyển dịch tích cực trong riêng từng ngành, mà tại đó năng suất lao động đã có sự chuyển biến. "Trong ngành công nghiệp thì khai khoáng đã giảm, chế biến chế tạo tăng dần tỷ trọng. Nông nghệp cũng có sự chuyển dịch sang nông nghiệp công nghệ cao. Đây là những kết quả cần ghi nhận", bà Lan nói.

Ngoài vấn đề năng suất lao động, VEPR cũng đánh giá thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng cản trở nền kinh tế. Trong khi đó, nguồn vốn chi đầu tư vẫn còn hạn chế. "Trong bối cảnh các nhà tài trợ nước ngoài lần lượt rút dần và chỉ cho vay với mức lãi suất kém ưu đãi, Việt Nam cần sử dụng nhiều hơn nội lực để tạo động lực cho tăng trưởng", báo cáo viết.

Đánh giá về yêu cầu tính toán lại với quy mô GDP của nền kinh tế, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng điều này có thể tạo dư địa để mở rộng tỷ lệ vay nợ, tuy nhiên việc tính toán cần phải thảo luận kỹ lưỡng.

"Nguyên tắc tính toán của GDP là dựa trên những hoạt động có thể quan sát và thu thuế được, từ đó làm căn cứ cho việc trả nợ, vốn được tính toán dựa theo GDP. Tuy nhiên nếu tính thêm cả các khu vực kinh tế phi chính thức vào quy mô GDP, mở rộng dư dịa vay nợ nhưng chưa xem xét kỹ về quy mô nguồn thu sẽ tạo ảnh hưởng đến khả năng chi trả", TS Thành nhận xét.

Theo Minh Sơn (VnExpress.net)