Năm 2017 đánh dấu kỷ lục về tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kim ngạch thương mại hay khách du lịch đến Việt Nam. Tuy nhiên bội chi ngân sách, năng suất lao động thấp, thiên tai vẫn là những thách thức với nền kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 10 năm
Năm 2017 tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, vượt chỉ tiêu 6,7% do Quốc hội đề ra, và là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, theo số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê. Đặc biệt, nền kinh tế trong hai quý cuối năm đều ghi nhận mức tăng trưởng trên 7%.
Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt trên 5 triệu tỷ đồng, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tiếp tục là thành phần chủ lực, đóng góp 74% vào quy mô nền kinh tế. GDP đầu người năm 2017 đạt 53,5 triệu đồng/năm (2.385 USD), tăng 170 USD so với 2016.
Trong năm nay, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%, thấp hơn mức trần là 4%.
Tuy nhiên bội chi ngân sách vẫn là gánh nặng của Chính phủ. Tổng thu ngân sách sau nhiều nỗ lực vẫn không đủ bù cho chi khi chỉ đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán năm.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, bội chi ngân sách tính đến 15/12/2017 khoảng 115.500 tỷ đồng, tăng gần 49.000 tỷ đồng so với số liệu cách đây chỉ một tháng.
Năng suất lao động người Việt thua Lào, bằng 7% Singapore
Năng suất lao động người Việt Nam theo giá hiện hành đạt 93,2 triệu đồng/lao động. Tính theo giá cố định năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.
Dù năng suất lao động qua các năm có sự tăng đều, theo Tổng cục thống kê, năng suất lao động của Việt Nam so với các nước khu vực vẫn còn tương đối thấp.
Đặc biệt, cơ quan thống kê còn đưa ra cảnh báo chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài và kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt kỷ lục
Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016, là mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Có tới 5 dự án trị giá tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư trong năm nay.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore tiếp tục là những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Thanh Hóa, Khánh Hòa và TP.HCM là địa phương thu hút được nhiều vốn nhất cả nước.
Năm 2017 cũng ghi nhận một kỷ lục khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu vượt mốc 400 tỷ USD.
Mặc dù đầu năm Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP, với 12 hiệp định tự do thương mại Việt Nam đã ký kết và Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và châu Âu dự kiến có hiệu lực vào năm sau, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam năm vừa qua vẫn khởi sắc. Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư.
Đáng chú ý là trong năm nay, Hàn Quốc chính thức vượt Trung Quốc trở thành đối tác xuất khẩu số 1 vào Việt Nam.
13 triệu khách quốc tế đến Việt Nam
Tiếp nối thành công của năm 2016 khi ngành du lịch đón kỷ lục 10 triệu khách. Năm 2017, gần 13 triệu khách quốc tế đặt chân đến Việt Nam, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu du lịch lữ hành năm nay ước tính đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay, khách đến từ Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu số lượng khách đến Việt Nam, chiếm khoảng 30%, theo sau là du khách từ Hàn Quốc với 18%.
Việc tiếp tục miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức đón các đoàn đến khảo sát du lịch Việt Nam thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển.
Ngành du lịch được kỳ vọng trở thành mũi nhọn và đóng góp 10% vào nền kinh tế năm 2020.
Thiên tai tiêu tốn 60.000 tỷ đồng ngân sách
Năm 2017 là năm của mưa, bão, lũ, thiên tai diễn ra ở hầu hết vùng miền trên cả nước. Nửa cuối năm, Việt Nam liên tục đón 16 cơn bão và 7 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Trong đó, cơn bão số 10 và 12 đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Trung là hai cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.
Trong năm, thiên tai làm 389 người chết, mất tích và 668 người bị thương. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai ước tính 60 nghìn tỷ đồng, hơn 1% GDP, cao gấp 1,5 lần so với năm 2016. Trong đó Khánh Hòa là địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất với 14,7 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Nợ đọng thuế phấn đấu giảm xuống dưới 5%, tăng thu ngân sách 4%, kiểm soát bội chi ngân sách ở mức 3,7%.
Theo Hà Phương (Tri Thức Trực Tuyến)