Sốt giá giống như chó Nhật cách đây gần 30 năm
Gần đây, những thương vụ mua bán lan đột biến rầm rộ hơn bao giờ hết. Lan đột biến không chỉ có giá tiền tỷ mà lên tới hàng chục tỷ, thậm chí có vụ mua bán lên tới 250 tỷ đồng. Trên mạng xã hội, những mầm lan, kie lan đột biến cũng được rao bán tràn lan với giá từ vài triệu, vài chục triệu, thậm chí là bạc tỷ.
GS.TS Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác Khoa học Kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương kiêm Chủ tịch Hội hoa lan Việt Nam, cho rằng, không có mức giá cụ thể cho lan đột biến. Độ đắt của một giống lan đột biến phụ thuộc vào độ hiếm, độ đẹp của mỗi cây.
Theo ông, thú chơi hoa lan đột biến có lịch sử gần nửa thế kỷ. Đó là năm 1972, người ta phát hiện ra bông 5 cánh trắng Phú Thọ ở xã Cổ Tiết (Tam Nông, Phú Thọ), do diễn viên đoàn xiếc TƯ tìm thấy trên một cây đa đầu làng. Họ chia sẻ cho bà con làng cùng mang về nuôi. Sau này đặt tên là 5 cánh trắng Phú Thọ - mặt bông khởi đầu làng hoa lan đột biến được nhiều người biết đến.
Lan đột biến xảy ra liên tục trong tự nhiên, ngày nào cũng có và được tích lũy lại hàng ngàn đời nên đa dạng về màu sắc, kiểu dáng và chủng loại.
Có hàng nghìn loại lan đột biến, song thường được chia làm hai dòng: 5 cánh trắng và 5 cánh hồng. Trong 5 cánh trắng chia ra loại bình dân, trung bình, trung bình cao, cao, cao cấp và loại đặc biệt.
Loại bình dân có 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng HO, 5 cánh trắng Hà Tĩnh, 5 cánh trắng mắt nai, 5 cánh trắng Nghệ An. Dòng cao cấp hơn thì có 5 cánh trắng Bạch Tuyết, Đôi mắt Pleiku. Cao cấp thì là Juliet, Ngọc Sơn Cước, Vĩnh Khang, Bướm Đại Ngàn...
Về những chậu lan có giá vài trăm tỷ, ông Quý cho hay, ngoài lý do thuộc dòng cao cấp, đặc biệt cao cấp thì những chậu này thuộc hàng khủng, nhiều thân, thân dài. Ví như cây 5 cánh trắng Kinh Bắc, 1 kie (4 cm/kie) giá bây giờ khoảng 5 tỷ đồng. Một cây cao 2m thì làm được 50 kie, nhân theo giá mỗi kie thì ra vài trăm tỷ đồng.
Việt Nam đến nay vẫn chưa có hội đồng hay cơ quan, tổ chức nào nhận trách nhiệm định giá lan. Mức giá sẽ do chính những người trong cộng đồng chơi đánh giá và đưa ra. Càng nhiều người đánh giá hoa đẹp, giá càng cao.
Chính vì vậy, khi trào lưu chơi lan nở rộ gần đây, nhu cầu tìm mua lan đột biến nhiều dẫn đến giá lan bị “thổi” lên cao hơn giá trị thật. Tuy nhiên, ông Quý nhận định, tình trạng này sẽ giảm và hết khi nguồn cung lan đột biến cân bằng với cầu.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) khẳng định, với trường hợp lan đột biến, từ giữa năm 2020 đến nay đã có giá hàng tỷ, chục tỷ, thậm chí đến hàng trăm tỷ. Ông khẳng định, những giao dịch đó mang tính chất dân sự kiểu thuận mua vừa bán, cơ quan quản lý Nhà nước không thể yêu cầu giống này chỉ được bán bằng này hoặc mua bằng này.
Giá phụ thuộc vào giá trị của nó trên thị trường. Cá nhân ông Cường cho rằng, giá trị đối với hoa, với nghệ thuật rất vô cùng. Bởi, cái đẹp phụ thuộc vào cảm nhận từng người, giá trị cũng thế.
“Chỉ ở thị trường Việt Nam lan đột biến mới có giá như vậy, còn các nước khác chẳng có giá trị nhiều. Những loại lan đặc sắc, độc đáo nhất của thế giới cũng chỉ cỡ vài chục ngàn USD hay lên tới trăm ngàn đô là cùng", ông Cường nói. Theo ông, lan đột biến là một hiện tượng giống như chó Nhật cách đây gần 30 năm ở ta và hoa tuylip ở Hà Lan cách đây mấy trăm năm.
Ông tin rằng, chỉ một thời gian nữa, lan đột biến sẽ trở về với giá trị thực của nó. Giờ giao dịch không minh bạch, giá trị sử dụng không rõ ràng, không phổ quát cho toàn xã hội mà chỉ do các nhà đầu tư, người dân làm theo trào lưu. Lan đột biến không phải là độc bản, là duy nhất mà nhân nuôi được. Nếu không tỉnh táo, rất nhiều người sẽ khuynh gia, bại sản.
Mua kie rất dễ bị lừa
Trước khi tranh luận về những thương vụ mua bán lan hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ là thực hay ảo ngã ngũ, các chuyên gia trong ngành đồng loạt cảnh báo người chơi lan cẩn trọng để tránh mua phải hàng giả.
Theo ông Trần Duy Quý, muốn phân biệt lan thường với nhau hay lan đột biến với nhau ngoài hình thái của thân, lá bắt buộc phải có hoa nở. Tất cả những nhà phân loại học về hình thái nổi tiếng nhất thế giới, nếu tiêu bản không có hoa họ cũng không dám xác định tên khoa học chứ đừng nói những người chơi bình thường.
“Cho nên, muốn chính xác nhất thì phải đến vườn, phải hỏi cây này 5 cánh trắng bông đâu, đề nghị cho xem, chụp đúng như thế và tốt nhất mua cái kie ở trên thân cây đang có hoa mới đảm bảo 100%. Người làm ăn đứng đắn thì phải có hợp đồng mua bán rõ ràng”, ông nói.
Ông Quý nói thêm, nếu nhìn bằng mắt thường thì phải là người chơi lâu năm, hàng ngày phải chăm sóc nó thì mới phân biệt được, song vẫn có lúc nhầm vì nó na ná giống nhau. Không cẩn thận sẽ dễ mắc lừa, mua phải hàng giả.
Trong khi đó, GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực di truyền học, thừa nhận, để xác định được đâu là lan đột biến và đâu là lan thường rất khó. Nếu lan đột biến thể hiện ra bên ngoài như màu sắc hoa hoặc lá khác với quần thể thì mắt thường có thể nhìn ra được. Tuy nhiên, với những giao dịch mua bán kie lan đột biến hoặc cây lan đột biến (chưa có hoa) bằng mắt thường thì không thể xác định được có phải đột biến hay không.
Trường hợp lan đột biến chưa có hoa, cách xác định chính xác nhất là đem xét nghiệm ADN, nhưng cần có cây đột biến gốc để so sánh. Chưa kể, việc xét nghiệm mất nhiều thời gian và chi phí rất đắt đỏ. Thế nên, không ai chọn làm theo phương pháp này.
Theo ông Hàm, người dân cần hết sức thận trọng, tỉnh táo, không nên lao vào cơn sốt này. Các giao dịch lan đột biến có thể đang bị thổi giá, hoặc chẳng có cuộc giao dịch thực sự nào. Nhưng họ vẫn làm pano quảng cáo rầm rộ, song song đó chuẩn bị nhiều cành lan (được quảng cáo là lan đột biến) và rao bán với giá vài triệu đến vài chục triệu. Thấy giá quá rẻ, trong khi có những cây lên đến tiền tỷ, sẽ có người lao vào mua ngay với suy nghĩ đầu tư.
Theo T.An (VietNamNet)