Sáng 19/4, PV có buổi làm việc với Công an huyện Hoài Đức, Hà Nội xung quanh vụ công dân gửi đơn tố giác dấu hiệu bị lừa đảo trong giao dịch lan đột biến.
Tại buổi làm việc, Thiếu tá Lê Quyết Thắng, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Hoài Đức cho biết, Công an huyện này tiếp nhận 6 đơn trình báo của các bị hại.
Theo khai báo đến nay, tổng số tiền nhóm công dân bị lừa rơi vào khoảng 4 tỷ đồng. Trong đó, vụ nhỏ nhất với số tiền 85 triệu đồng, vụ lớn nhất giá trị số tiền lên đến 2,295 tỷ đồng.
Theo Thiếu tá Thắng, quá trình làm việc, các bị hại đều thừa nhận họ chỉ giao dịch thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo.
"Họ quay clip, chụp ảnh cây lan đột biến gửi cho nhau xem rồi chốt giá... khi phát hiện dấu hiệu bị lừa đảo, họ không thể nắm rõ nhân thân, lai lịch người đã thực hiện giao dịch mua bán lan với mình", Thiếu tá Thắng nói.
Vị đội trưởng cho hay, quá trình xác minh đến nay, cơ quan điều tra Công an huyện Hoài Đức nắm được một số người liên quan đến đơn tố giác. Tuy nhiên, họ không có mặt tại địa phương nên chưa thể tiếp cận.
Phần lớn bị hại làm đơn tố cáo khai để có tiền mua lan, họ phải đi vay mượn hoặc quyên góp từ người thân, bạn bè.
Các đối tượng "chủ vườn" thường thuê nhà dân để thực hiện giao dịch.
Với trường hợp anh Nguyễn Văn Sự (trú tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) trình báo số tiền bị lừa trong giao dịch lan lên đến 10 tỷ đồng, Thiếu tá Thắng bác bỏ thông tin trên.
Ông cho biết, người đàn ông quê Vĩnh Phúc dính líu tới nhiều thương vụ mua, bán lan đột biến tại tỉnh Hòa Bình, Đồng Nai. Tại huyện Hoài Đức, công an có tiếp nhận đơn của anh Sự nhưng số tiền theo khai báo không lớn như vậy.
Cuối cùng, ông Thắng khẳng định, công an huyện mới chỉ tiếp nhận được đơn tố giác, mọi thông tin khai về giao dịch mua, bán lan mới xuất phát từ phía người làm đơn. Do chưa làm việc được với tất cả những người liên quan nên chưa khẳng định có dấu hiệu lừa đảo.
Ngoài huyện Hoài Đức, tại địa bàn Ứng Hòa những ngày qua dư luận cũng xôn xao với chủ vườn lan Hà Thành "ôm hàng trăm tỷ" của khách bỏ trốn. Trước tính chất nhạy cảm của vụ việc, cơ quan công an đã đề nghị VKSND huyện Ứng Hòa cùng vào cuộc.
Đến thời điểm này họ xác định, có 7 cá nhân ở Hà Nội, Hà Nam gửi đơn, trình bày việc thỏa thuận mua bán "lan đột biến" với chủ vườn lan Hà Thanh, số tiền giao dịch khoảng 14 tỉ đồng.
Liên quan đến các thương vụ giao dịch lan đột biết bất thường gần đây, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công an các huyện phối hợp lực lượng Công an thành phố khẩn trương xác minh, triệu tập những người có liên quan để điều tra, làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Theo Hoàng An (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)