Nhiều người thế chấp đất đai, nhà cửa để vay tiền kinh doanh lan đột biến, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng cảnh báo

14/04/2021 09:05:46

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hòa Bình cho biết, thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã thế chấp đất đai, nhà, tài sản để vay tiền tổ chức tín dụng tham gia góp vốn cho một số người kinh doanh hoa lan.

Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn cần kiểm tra, rà soát lại các hợp đồng tín dụng, phát hiện kịp thời để cảnh báo rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hoà Bình vừa có Công văn số 227/HBI-TTGSNH gửi các ngân hàng, tổ chức tín dụng (NH, TCTD) trên địa bàn về việc chấn chỉnh hoạt động cho vay các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao.

Theo đó, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, các NH trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã chủ động triển khai quyết liệt nhiều giải pháp mở rộng tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu SX-KD và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, xa, góp phần tạo công ăn, việc làm ổn định đời sống Nhân dân, đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Nhiều người thế chấp đất đai, nhà cửa để vay tiền kinh doanh lan đột biến, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng cảnh báo

Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đang có hiện tượng giao dịch, kinh doanh hoa lan đột biến (LĐB) gen với giá trị rất lớn, có một số giao dịch lên đến hàng tỷ, chục tỷ đồng/1kie.

Qua phản ánh, nhiều hộ gia đình đã thế chấp đất đai, nhà, tài sản để vay tiền TCTD tham gia góp vốn cho một số người kinh doanh hoa lan, việc góp vốn kinh doanh hoa lan đột biến gen bất bình thường có thể sẽ mang lại nhiều rủi ro và kéo theo những hậu quả khó lường về ANTT, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh (Công văn số 555-CV/VPTU ngày 24/3/2021 của Tỉnh ủy), Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã yêu cầu các NH, TCTD trên địa bàn tập trung triển khai thực hiện một số nội dung như sau:

Chỉ đạo các phòng, ban nghiệp vụ (phòng quan hệ khách hàng, phòng kiểm tra, kiểm toán nội bộ) kiểm tra, rà soát lại các hợp đồng tín dụng của các hộ SX-KD, tập trung vào địa bàn đang có phong trào trồng hoa lan và các giao dịch mua bán hoa lan đột biến gen, phát hiện kịp thời khách hàng sử dụng vốn vay đầu tư vào lĩnh vực này để cảnh báo rủi ro có thể xảy ra đối với khách hàng; kiểm soát chặt chẽ các dự án vay vốn mới, trong quá trình thẩm định phải phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, tổ dân phố, thôn, xóm... để nắm bắt thông tin cơ bản của dự án và chủ dự án, thận trọng khi đầu tư vốn vào các dự án nêu trên;

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm cam kết Hợp đồng tín dụng, sử dụng vốn vay sai mục đích, không hiệu quả, có nguy cơ thất thoát vốn vay, áp dụng các biện pháp, chế tài xử lý phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn vốn vay NH;

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kết hợp nắm bắt thông tin từ các cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên NH liên quan đến các giao dịch mua, bán hoa lan bất bình thường nêu trên hoặc có hành vi thông đồng với các đối tượng lợi dụng mua, bán hoa LĐB gen để lừa đảo.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh đề nghị các NH, TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc yêu cầu trên, báo cáo kịp thời Ngân hàng Nhà nước tỉnh những vấn đề mới phát sinh để phối hợp với các cơ quan chức năng có các biện pháp xử lý phù hợp.

Theo PV (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)