Ngày 16/9, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo Thường vụ Quốc hội thực trạng phát triển điện lực đến năm 2030, sau phiên giải trình của Bộ Công Thương cách đây hơn một tuần.
Giá điện chưa theo thị trường
Uỷ ban Kinh tế cho rằng, việc giá điện Việt Nam chưa theo thị trường, còn bù chéo giữa khách hàng sản xuất với sinh hoạt, thương mại... nên khó thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.
Chẳng hạn, giá mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với từ nguồn năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn, ...). Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang được nhà nước giao mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện năng lượng tái tạo với mức giá do nhà nước quy định. Như vậy, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện. "Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện", báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nhận xét.
Không chỉ vậy, theo cơ quan này, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện xây dựng từ năm 2014 đã lộ những bất cập, chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng, nhưng lại chậm thay đổi.
Uỷ ban Kinh tế đề nghị đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường mua, bán điện cạnh tranh, hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá với dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
"Cần xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá điện minh bạch do thị trường quyết định, không thực hiện bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền và nhanh chóng xây dựng giá điện hai thành phần", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế chốt lại.
Quy hoạch điện quá 'cứng'
Ngoài bất cập về giá điện, báo cáo của Ủy ban Kinh tế dành nhiều thời lượng nói về sự "lệch pha" giữa quy hoạch và phát triển thực tế, dẫn chứng từ phát triển quá nóng nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời.
Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, các dự án điện mặt trời không phát triển trong nhiều năm liền, nhưng khi có chính sách giá khuyến khích thì "chỉ trong thời gian ngắn đã phát triển bùng nổ, vượt xa quy hoạch". Tại quy hoạch điện VII điều chỉnh, công suất điện mặt trời tới năm 2020 là 850 MW, song thực tế đã tăng gần 6,2 lần, đạt 5.245 MW vào tháng 8 năm nay.
Quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh đưa ra quy định "cứng" về quy mô, thời điểm vận hành và các công trình điện lực đã hạn chế nguyên tắc thị trường trong chọn nhà đầu tư, làm giảm tính linh hoạt. Việc lập quy hoạch quá "cứng" đã không đảm bảo sự cân đối giữa cơ cấu nguồn, lưới điện dẫn tới nguy cơ Việt Nam thiếu điện trong 5 năm tới.
Mặt khác, nhiều dự án lớn, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2020 bị chậm tiến độ. Theo kết quả rà soát mới đây, tổng công suất các dự án nguồn điện có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 15.500 MW, tức gần 72% quy hoạch.
Nhu cầu điện tăng cao nhưng tăng trưởng nguồn điện 5 năm gần đây giảm đáng kể, bình quân chỉ đạt 8% một năm. Hai nguồn điện đóng góp lớn trong tỷ trọng cơ cấu nguồn là thuỷ điện và nhiệt điện than cũng giảm lần lượt bình quân 5% và 10% một năm.
Các dự án lưới điện gặp nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên lưới điện giải tỏa công suất cũng chậm tiến độ theo, ảnh hưởng tới khối lượng đầu tư chung của lưới truyền tải. "Công suất nguồn điện có nơi thừa, chưa giải tỏa hết trong khi đó lại có nguy cơ thiếu điện cục bộ trên diện rộng", ông Thanh nói thêm.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã chỉ rõ danh mục các dự án được đầu tư theo từng năm, đảm bảo cân đối cung cầu điện trên từng vùng miền, ưu tiên các dự án gần tâm phụ tải để tăng cường an ninh cung cấp, giảm chi phí đầu tư lưới và giảm tổn thất truyền tải. Tuy nhiên, sau 4 năm, nhiều dự án đã không được thực hiện do một số địa phương không đồng ý làm điện than, một số lại đề nghị bổ sung các trung tâm điện khí mới.
Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng, việc không tuân thủ nghiêm túc quy hoạch phát triển điện lực cũng làm cho hệ thống điện phát triển mất cân đối, ảnh hưởng tới độ tin cậy, ổn định và hiệu quả của ngành điện.
Trước thách thức thiếu điện, Uỷ ban Kinh tế đề nghị, quy hoạch điện VIII phải có tầm nhìn dài hạn, tính dự báo chính xác cao và bám sát phương hướng Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng đến 2030, tầm nhìn đến 2045; đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các nguồn điện truyền thống (điện than, khí, năng lượng tái tạo...).
Trước sự bùng nổ các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, cơ quan thường trực của Thường vụ Quốc hội đề nghị tính toán đồng bộ với xây dựng lưới điện để giải toả công suất, tránh lãng phí và có hướng dẫn cụ thể về điện mặt trời áp mái cũng như các loại hình khác như trên mặt đất, đồng ruộng... tránh lợi dụng chính sách.
Với nhiệt điện, cơ quan này khuyến khích các dự án đồng bộ từ khâu cung ứng, lưu trữ nhiên liệu và xây dựng nhà máy trên cơ sở giá bán điện xác định thông qua đấu thầu. Phát triển điện khí theo hướng ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước; phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống.
Còn với điện than, Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại như công nghệ siêu tới hạn. "Kiên quyết đóng cửa với các nhà máy công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường", Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Theo Anh Minh (VnExpress.net)