Bộ Công Thương đang đề xuất 2 phương án tính giá điện. Phương án 1 là áp dụng biểu giá 5 bậc thang. Phương án 2 là khách hàng được chọn áp dụng biểu giá 5 bậc thang hoặc tính theo một giá điện.
Nếu tính điện một giá, mức khách hàng phải trả cho một kWh sẽ cao gấp 1,45-1,55 lần giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (ở mức 1.864,44 đồng một kWh), tương ứng dao động 2.703-2.890 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT. Dưới đây là so sánh tiền điện khách hàng phải trả với từng phương án.
Kịch bản 2A: Khách hàng được chọn cách tính 5 bậc thang hoặc một giá - 2.703 đồng một kWh.
Ở kịch bản này, khi sử dụng ở mức trên 700 kWh một tháng, người dùng có lợi hơn nếu chọn điện một giá. Còn nếu dùng dưới mức này, chọn cách tính điện bậc thang chi phí sẽ ít hơn.
Kịch bản 2B: Khách hàng được chọn cách tính 5 bậc thang hoặc một giá - 2.890 đồng một kWh.
Với phương án một giá điện 2.890 đồng một kWh (bằng 155% giá bán điện bình quân), người dùng trên 1.100 kWh chọn điện một giá sẽ có lợi hơn.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, với phương án chỉ áp dụng theo biểu giá 5 bậc thang, có khoảng 20,1 triệu khách hàng sinh hoạt có mức sử dụng điện dưới 200 kWh một tháng và mức 301-400 kWh mỗi tháng được giữ nguyên hoặc giảm khoảng 12.000 đồng một tháng. Nhưng nếu dùng 201-300 kWh hoặc dùng 401 kWh một tháng trở lên sẽ phải trả tăng 4.000-99.000 đồng một tháng.
Với biểu giá 6 bậc thang hiện hành, đa số khách hàng dùng điện dưới 600 kWh (97,36 % tổng số khách hàng) nên với biểu giá 5 bậc thang, chi phí điện sẽ giảm khoảng 2.800-12.800 đồng. Còn dùng 300 kWh một tháng sẽ phải trả thêm khoảng 7.100 đồng.
Ông Tuấn cũng giải thích việc Bộ Công Thương không tính điện một giá bằng với giá bán lẻ điện bình quân 1.864,44 đồng một kWh như một số đề xuất.
Ông phân tích, đây không phải là lần điều chỉnh giá nên các phương án đưa ra phải đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân cho tất cả nhóm khách hàng được giữ nguyên ở 1.864,44 đồng một kWh, theo Quyết định 648/2019 của Bộ Công Thương. Ngoài ra, đề xuất này cũng không nhận được sự ủng hộ của phần đông các bộ, ngành.
Theo tính toán, nếu điện một giá bằng giá sinh hoạt bình quân 1.864,44 đồng một kWh thì khách hàng sử dụng dưới 200 kWh một tháng (khoảng 18,7 triệu khách hàng) phải trả tăng 19.000-39.000 đồng một tháng.
"Nếu áp giá điện một giá ở mức 1.864,44 đồng một kWh, để đảm bảo giá điện sinh hoạt bình quân không đổi sẽ phải tăng giá bán lẻ mức tiêu thụ dưới 700 kWh một tháng. Như vậy sẽ có lợi cho khách hàng dùng nhiều nhưng ảnh hưởng tới 98% người dùng điện khác, nhất là hộ gia đình thu nhập thấp, trung bình", ông Tuấn lý giải.
Ngoài ra, tiền ngân sách hỗ trợ người nghèo, hộ chính sách sẽ tăng thêm 240 tỷ đồng một năm, lên mức 1.240 tỷ do giá điện cao hơn bậc 1 hiện hành. Và việc áp dụng một giá điện cho tất cả đối tượng khách hàng sẽ không khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Dự thảo cơ cấu biểu giá điện mới được Bộ Công Thương lấy ý kiến trong tháng 8, sau đó sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng xem xét, quyết định và dự kiến áp dụng từ đầu năm 2021.
Theo Anh Minh (VnExpress.net)