“Chúa chổm” 495.046 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính mới nhất được công bố của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019, doanh thu thuần EVN trong năm này đạt 394.889 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2018. Tuy nhiên do giá vốn tăng thêm 56.000 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp đạt 51.037 tỷ đồng, giảm 4% so với lợi nhuận 2018.
Sau khi cân đối với một số khoản thu chi khác, doanh nghiệp (DN) đạt lợi nhuận trước thuế gần 12.500 tỷ đồng, lãi sau thuế 9.720 tỷ đồng, tăng lần lượt 38% và gần 42,6% so với năm 2018.
Lợi nhuận này của EVN chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh chính là sản xuất, điều độ và mua bán điện năng, bởi vì hoạt động kinh doanh tài chính, đầu tư trong công ty liên doanh liên kết và đầu tư khác chỉ chiếm tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận rất nhỏ, thậm chí có khoản mục bị lỗ.
Thế nhưng, điều nghịch lý là, tuy kinh doanh có lãi đến gần 10.000 tỷ như vậy, “ông lớn” DN Nhà nước này lại đang là một “chúa chổm” khổng lồ vì khoản nợ phải trả tính đến cuối năm 2019 là 495.046 tỷ đồng (tăng 1,2% so với con số 489.058 tỷ đồng hồi đầu năm). Trong đó, chủ yếu là nợ dài hạn 364.564 tỷ đồng (chiếm 73,6%), còn lại là nợ ngắn hạn 130.482 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của DN đến ngày 31/12/2019 là 226.414 tỷ đồng. Tính ra, tổng nợ của EVN đang gấp 2,18 lần vốn chủ sở hữu.
Nhìn vào bản báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất của EVN năm 2019 thì thấy việc quản lý dòng tiền tại DN này có một số vấn đề cần lưu ý. Theo đó, lưu chuyển dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thì khá “lành mạnh” với con số lưu chuyển là 79.922 tỷ đồng; song dòng tiền từ hoạt động đầu tư đang âm 67.724 tỷ đồng, từ hoạt động tài chính âm 8.753 tỷ đồng. Trong tổng số nợ 495.046 tỷ đồng của EVN hiện tại thì có đến 357.477 tỷ đồng đến từ các khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn.
Vấn đề công nợ của EVN đã buộc công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam phải đưa vào danh mục 3 vấn đề cần nhấn mạnh nhất của báo cáo kiểm toán độc lập do công ty này đảm nhiệm.
Đáng lưu ý, thuật ngữ “lỗ tỷ giá” (phần lỗ do chênh lệch tỷ giá hối đoái từ các khoản mục có gốc ngoại tệ) là cụm từ được sử dụng nhiều năm nay trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn Điện lực Việt Nam và cũng là lý do được “nhà đèn” nhắc đến nhiều nhất trước mỗi lần chuẩn bị tăng giá điện. Thế nhưng, năm 2019, lỗ tỷ giá của EVN chỉ còn là 3.014 tỷ đồng, giảm hơn 2/3 so với con số 9.500 tỷ đồng của năm 2018.
Thực chất, “gánh nặng dòng tiền” của EVN nằm ở số tiền trả nợ gốc vay hàng năm. Năm 2019 EVN phải trả nợ gốc vay tới 54.856 tỷ đồng, năm 2018 thậm chí lên tới 64.055 tỷ đồng. Ngoài trả nợ gốc, năm 2019 EVN còn phải trả khoản lãi vay 19.324 tỷ đồng. Tính ra, mỗi ngày “ông lớn” điện lực phải trả 203 tỷ đồng cả gốc và lãi vay. Tuy nhiên, các khoản vay này đến từ đâu thì không được nhà đèn tiết lộ.
Tại thời điểm 31/12/2019, EVN đang nợ 495.046 tỷ đồng, trong đó 357.477 tỷ đồng đến từ các khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn. Trong năm 2019, mỗi ngày “ông lớn” điện lực phải trả 203 tỷ đồng cả gốc và lãi vay.
Lương nhân sự EVN vượt kế hoạch
Quỹ tiền lương tập đoàn này chi trong năm 2019 là 1.254 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với con số dự chi là 1.234 tỷ đồng. Với 4.638 nhân sự, lương bình quân người lao động của EVN năm 2019 là 22,5 triệu đồng/người/tháng, vượt kế hoạch ban đầu là 21,1 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, 14 lãnh đạo tập đoàn có mức lương bình quân là 47,1 triệu đồng/người/tháng.
Trong năm 2020, EVN dự kiến lao động thực tế sử dụng bình quân là 4.767 người; quỹ tiền lương lương người lao động là 1.290 tỷ đồng; quỹ lương lãnh đạo gần 8,1 tỷ đồng. Theo đó, kế hoạch tiền lương bình quân cho người lao động sẽ tăng nhẹ còn lương lãnh đạo sẽ tăng hơn 1 triệu đồng/người/tháng.
Đây là khoản lương, chưa bao gồm thưởng và thu nhập khác (nếu có).
Năm 2025 EVN hết độc quyền, người dân được đàm phán giá điện?
Câu chuyện bán điện có lãi nhưng vẫn "è cổ" trả nợ của EVN phản ánh thực trạng bất cập về nguồn vốn đầu tư trong DN này. "Vì sao không đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư để giảm gánh nặng trả nợ vốn và lãi vay tại EVN?" là câu hỏi mọi người dân quan tâm và cũng mục tiêu khi cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước tại DN này.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu rằng Chính phủ không đi bán bia, bán sữa hộ DN, thời điểm tiến hành thoái vốn Nhà nước tại tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Chiến lược cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn đang được triển khai tại nhiều ngành nghề khác, trong đó có ngành điện, nhằm giúp DN tự thân vận động trong nền kinh tế thị trường. Chiến lược này cũng phù hợp với nguyện vọng của người dân về việc được sử dụng hàng hoá chất lượng cao, giá cả hợp lý cùng cơ chế minh bạch trong chia sẻ thông tin hàng hoá.
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lược quốc gia của Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn 2045 cũng đã đặt mục tiêu xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có nội dung cổ phần hoá các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực năng lượng.
Theo thông tin từ EVN, hiện nay Tập đoàn này đang chuẩn bị thoái vốn Nhà nước 26.605 tỷ đồng tại công ty con là tổng công ty Phát điện 2 (Genco 2), đồng thời thực hiện các thủ tục liên quan để xác định giá trị doanh nghiệp tổng công ty Phát điện 1 (Genco 1) và thủ tục để thoái vốn tại tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance). Hiện EVN đang nắm 100% vốn của GENCO 1,2, nắm 46,47% vốn của Thiết bị điện Đông Anh và 1% tại EVNFinance.
Tập đoàn này cũng đang trình hội đồng thành viên Tập đoàn đề án tách bạch mô hình tổ chức giữa khâu phân phối điện và khâu kinh doanh bán lẻ điện của các tổng công ty điện lực
Trong một diễn biến liên quan, ngày 9/6/2020, Thủ tướng Chính phủ có văn bản gửi bộ Công Thương, ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN về chủ trương xây dựng, phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam.
Trước đó, tại Tờ trình phê duyệt chủ trương xây dựng, phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 12/2/2020, bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch 4 giai đoạn cho thị trường bán lẻ điện ở Việt Nam. Theo kế hoạch này, từ sau năm 2025, người dân có thể tham gia vào thị trường bán lẻ điện và lựa chọn đơn vị bán lẻ điện cho mình.
Bộ Công Thương muốn rút phương án điện một giá vì “rất phức tạp”
Ngày 18/8, tại cuộc họp nội bộ bộ Công Thương về dự thảo Quyết định quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng cục Điều tiết Điện lực, đã kiến nghị rút phương án 2A và 2B, tiếp tục cải tiến, sửa đổi biểu giá điện bậc thang từ 6 bậc xuống còn 5 bậc. Nếu kiến nghị này được chấp nhận, phương án điện một giá trong dự thảo mà bộ Công Thương đang xây dựng sẽ không còn.
Sau quá trình nghiên cứu phản hồi của các chuyên gia và người dân, ông Tuấn cho rằng phương án điện một giá không khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện. Ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng cục Điện lực & Năng lượng tái tạo cũng đồng tình rút phương án một giá điện vì chỉ khoảng 2% số hộ sử dụng điện có thể lựa chọn phương án này.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, phương án một giá điện "đánh đồng giữa các đối tượng sử dụng điện, vi phạm nguyên tắc trong xây dựng biểu giá bán lẻ điện là đảm bảo tiết kiệm năng lượng", nếu thực hiện sẽ "rất phức tạp".
Trước đó, đề xuất giá bán lẻ điện mới, bao gồm phương án điện một giá bị dư luận phản đối do cao hơn 45 – 55% bình quân giá bán lẻ điện hiện hành, và rằng đề xuất của EVN thực chất “chỉ là cho có” để xoa dịu dư luận, còn bản chất giá điện cao và thiếu minh bạch thì không thay đổi.
Theo Minh Minh (Nguoiduatin.vn)