USD giảm không ngừng
Thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam trong những tuần gần đây liên tục diễn biến khó lường. Đồng USD giảm không ngừng cho dù Việt Nam đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và đưa ra các gói kích thích kinh tế thời đại dịch Covid-19.
Sáng 11/6, đồng USD tiếp tục giảm giá xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua: dưới 23.300 đồng/USD. Giá đồng bạc xanh trên thị trường tự do thậm chí còn thấp hơn, dưới 23.250 đồng/USD.
So với cuối 2019 và đầu năm 2020, đồng USD gần như không tăng, vẫn quanh mức 23.230-23.250 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm có nhích hơn chút ít, hiện đang ở mức 23.212 đồng/USD, so với mức khoảng 23.160 đồng/USD hồi đầu năm.
Giá bán USD tại Hội sở giao dịch NHNN trong khi đó vẫn được giữ ở mức cao (23.650 đồng/USD) trong nhiều tháng qua. Giá mua vào tại hội sở là 23.175 đồng/USD.
Định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có xu hướng thả đồng VND giảm giá nhẹ so với đồng USD, nhưng thực tế giao dịch trên thị trường tỷ giá USD/VND gần như không đổi, phản ánh sự suy yếu của đồng USD.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới CTCK Mirae Asset, sở dĩ đồng USD giảm mạnh trong những ngày gần đây là do dòng USD đổ về nhiều, trong đó có cả dòng tiền Việt kiều chuyển về đầu tư chứng khoán, khi mà cổ phiếu Việt Nam được định giá ở mức hấp dẫn và nền kinh tế dự báo hồi phục nhanh.
Theo ông Tuấn, đây là giai đoạn tiền rẻ cho nên tác động tới nền kinh tế nói chung và chứng khoán nói riêng là tích cực và theo chiều hướng dài hạn cho dù các doanh nghiệp có thể chưa ghi nhận kết quả tích cực ngay vì cú sốc cung cầu đứt gãy.
Đồng USD trên thị trường thế giới đã giảm mạnh trong thời gian gần đây và dự báo sẽ còn còn chịu áp lực giảm do chính sách nới lỏng tối đa của nước Mỹ.
Trong cuộc họp kết thúc hôm 10/6, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định sẽ giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp lịch sử gần 0% cho tới năm 2022 như một động thái cụ thể để thực hiện cam kết đảm bảo cho nền kinh tế thực sự phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Fed cũng sẽ tiếp tục mua trái phiếu, mục tiêu mỗi tháng 80 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 40 tỷ USD chứng khoán thế chấp nhằm bơm tiền ra thúc đẩy một nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng âm 6,5% trong năm 2020.
Trái với lo ngại Fed sẽ nhanh chóng đảo chiều chính sách, ngân hàng trung ương Mỹ đã có những quyết định nới lỏng chính sách tiền tiền tệ kéo dài chưa từng có trong lịch sử.
Tỷ giá USD/VND tiếp đà ổn định
Hồi đầu năm, USD đã có những đợt tăng giá khá mạnh so với VND. Nó cũng trùng khớp với diễn biến tăng giá của đồng tiền này trên thị trường thế giới, so với rổ tiền tệ chủ chốt.
Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) có lúc lên mức 102,5 điểm (hồi tháng 3) nhưng sau đó giảm dần và hiện ở vùng thấp nhất trong 5 năm qua: khoảng 96 điểm.
Trước đó, đồng USD trên thế giới tăng giá và kéo theo đó tỷ giá USD/VND tăng mạnh chủ yếu đến từ tâm lý lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang. Tuy nhiên, hiện tượng này không kéo dài. Trong vài năm gần đây, NHNN đã linh hoạt và điều chỉnh thay vì giữ tỷ giá cố định như trước đó. Đây là yếu tố tạo cho thị trường niềm tin và tỷ giá ổn định trở lại khá nhanh sau mỗi lần tăng.
Trên thực tế, trong thời gian qua, NHNN vẫn liên tục tăng mua USD cho dự trữ ngoại hối.
Theo ông Tuấn, tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ ổn định trong thời gian tới, khó có khả năng tăng mạnh hay giảm nhanh. Đồng USD trên thế giới khó tăng mạnh trong bối cảnh Fed bơm tiền nhiều vào nền kinh tế và chính quyền ông Donald Trump không muốn một đồng USD mạnh.
Theo đó, chính sách của chính quyền ông Trump là hút dòng tiền đầu tư về nước và tăng cường xuất khẩu. Một đồng USD yếu phù hợp với chính sách của ông chủ Nhà Trắng hơn.
Một số chuyên gia cho rằng, đồng VND thậm chí có thể sẽ tăng nhẹ so với USD, không phải vì tốc độ bơm tiền vào nền kinh tế chậm hơn nước Mỹ mà do độ hấp thụ vốn của nền kinh tế Việt Nam yếu hơn khá nhiều.
Việc giải ngân các gói hỗ trợ còn chậm, chưa nói tới nói tín dụng kích thích kinh tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước thường gặp khó khi vay vốn ngân hàng bởi họ khó có thể đáp ứng các yêu cầu về tài sản đảm bảo cũng như dòng tiền dồi dào. Hơn thế, lãi vay ngân hàng cũng khá cao 8-10%, so với mức 2-3% trong khu vực.
Trong thời gian tới, áp lực giảm giá với đồng USD vẫn còn khi mà nước Mỹ bơm mạnh tiền vào nền kinh tế, trong khi một số đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới có xu hướng tăng trở lại như đồng bảng Anh và euro.
Trong phiên 10/6, đồng bảng Anh tăng vọt lên mức cao nhất trong 3 tháng bất chấp sự không chắc chắn trong các cuộc đàm phán thương mại Brexit với Liên minh châu Âu. Đồng euro cũng gia tăng mạnh sau một thời gian giảm.
Nhiều dự báo cho rằng, tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ không biến động mạnh, nhờ dòng vốn FDI khả quan và dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức cao…
Đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc gần đây giảm mạnh và qua đó tạo áp lực tăng giá đối với đồng USD. Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá CTCK Bảo Việt, rủi ro với tỷ giá USD/VND không lớn. Căng thẳng Mỹ-Trung có thể gia tăng nhưng theo BVSC, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không để NDT mất giá mạnh như hồi 2015.
Trao đổi gần đây, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ gần đây cho biết, cơ quan này sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, dự phòng các kịch bản có thể xảy ra, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.
Theo V. Minh (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/dien-bien-chua-tung-co-cam-dong-usd-moi-lo-648327.html