Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế thế giới không chỉ giới hạn trong ngành du lịch, vận tải mà còn ảnh hưởng lan rộng ra nhiều mảng kinh doanh khác.
Mới đây, hãng thu mua và đấu giá kim cương lớn nhất thế giới De Beers đã tuyên bố hầu như không có mấy thương vụ kể từ tháng 2/2020. Đối thủ của hãng là Alrosa PJSC đến từ Nga cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Giờ đây khi nền kinh tế thế giới vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn dịch Covid-19 và mới chỉ bắt đầu nới lỏng lệnh cách ly tại một số khu vực, các nhà bán buôn kim cương đang phải đau đầu để giải quyết số kim cương tồn kho trị giá hàng tỷ USD mà không khiến thị trường bị sốc.
Trước đó, lệnh cách ly đã khiến hàng loạt cửa hàng kim cương đóng cửa trên thế giới, những thợ hàn cắt kim cương tại Ấn Độ bị buộc nghỉ ở nhà còn hội chợ chào bán kim cương tháng 3/2020 của De Beers buộc phải hủy bỏ vì lệnh giãn cách.
Bất chấp việc kinh doanh khó khăn, De Beers và Alrosa vẫn chấp nhận thu mua kim cương từ các mỏ khai thác nhằm giữ thế độc quyền trên thị trường cũng như đảm bảo mức giá kim cương ổn định.
Trong khi đó, các chủ mỏ kim cương lại từ chối giảm giá trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thay vào đó, họ giảm sản lượng nhằm kiềm chế nguồn cung thị trường.
Tuy nhiên, số lượng kim cương tồn kho vẫn ngày một tăng do các hãng không bán được hàng trong khi giá sản phẩm luôn giữ ở mức cao. Hệ quả là các công ty đang phải ôm đống tài sản trị giá hàng tỷ USD nhưng chúng lại đang đối mặt nguy cơ khủng hoảng do cung vượt cầu quá xa.
Dưới tác động của dịch Covid-19, người tiêu dùng các nước có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn do thu nhập giảm, khiến doanh số kim cương được dự báo là sẽ khá ảm đạm.
Thêm nữa, việc phát triển những dòng kim cương nhân tạo cũng như xu thế hạ nhiệt trong việc dùng kim cương cho các sự kiện cầu hồn, cưới hỏi cũng khiến những ông lớn như De Beers hay Alrosa đứng ngồi không yên.
Theo hãng tư vấn Gemdax, 5 công ty bán kim cương lớn nhất thế giới hiện đang tồn kho khoảng 3,5 tỷ USD và con số này có thể lên đến 4,5 tỷ USD vào cuối năm nay, tương đương 1/3 sản lượng khai thác kim cương thô hàng năm trên toàn thế giới bị lưu kho.
"Họ đang cố kiềm chế nguồn cung kim cương ra thị trường để bảo vệ vị thế độc quyền cũng như giá trị mặt hàng. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu các công ty sẽ giải quyết số hàng tồn kho như thế nào?
Liệu những chủ mỏ khai thác kim cương có tiếp tục chịu giảm sản lượng để bảo vệ thị trường nữa hay không khi việc này đồng nghĩa họ bị giảm lợi nhuận?", Chuyên gia Anish Aggarwal của Gemdax nhấn mạnh.
Áp lực giảm giá
Sau khi hội chợ triển lãm và chào bán kim cương tháng 3/2020 của De Beers bị đổ bể, hãng đã tổ chức một sự kiện nữa vào tháng 5/2020 nhưng không dám công bố doanh số như vẫn thường làm mọi năm.
Theo một số nguồn tin thân cận của hãng tin Bloomberg, doanh số năm nay chỉ vào khoảng 35 triệu USD trong khi con số này năm ngoái là 416 triệu USD.
Trong khi những ông lớn như De Beers vẫn giữ chiến lược ghim giá để bảo vệ vị thế thì nhiều hãng bán kim cương nhỏ hiện nay đã giảm giá mạnh để có thể sống sót sau dịch Covid-19. Trên thực tế, những hãng kim cương nhỏ lẻ đã phải chật vật từ trước dịch Covid-19 do sự chèn ép, độc quyền của những ông lớn như De Beers.
Tại một số trung tâm giao dịch kim cương như Antwerp-Bỉ, các hãng kim cương nhỏ đã giảm giá tới 25% để thúc đẩy doanh số. Động thái này càng gây khó cho những ông lớn như De Beers khi đang muốn ghim giá.
Đầu thập niên 2000, hãng De Beers đã từng bán tháo tới 5 tỷ USD số kim cương tồn kho ra thị trường và tạo nên một cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và năm 2013, De Beers cũng đã từng bán mạnh số kim cương tồn kho và tạo nên áp lực cực lớn cho những thợ cắt, nhà môi giới hay những công ty bán lẻ kim cương.
Tuy nhiên lần này, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường kim cương sẽ phải trải qua một cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có khi các hãng bán buôn tồn kho quá nhiều, giá trị quá lớn trong khi nhu cầu thị trường lại chưa hồi phục.
Mới đây, hãng Alrosa thông báo lượng kim cương tồn kho của công ty có thể đạt 30 triệu Carat vào cuối năm nay, tương đương tổng sản lượng thu mua hàng năm, nhưng không tuyên bố chi tiết tổng giá trị hàng tồn kho. Công ty cho biết sẽ cố gắng giảm lượng hàng tồn kho xuống 15 triệu Carat trong vòng 3 năm tới.
Tất nhiên, việc một số thị trường nới lỏng giãn cách cũng đem lại các dấu hiệu tích cực. Những cửa hàng kim cương tại Trung Quốc đã mở cửa trở lại trong khi các tiệm chế tác kim cương ở Ấn Độ được phép hoạt động 50% công suất.
Những văn phòng môi giới kim cương tại Ấn Độ được phép cho 10% nhân viên đi làm trở lại sau lệnh giãn cách.
Mặc dù vậy, tình hình thị trường vẫn không khả quan bởi sau 2 tháng đóng cửa, lượng kim cương tồn kho đủ để cho các xưởng cắt gọt hoạt động hết công suất tới tận tháng 7-8/2020. Từ đây đến thời gian đó, nếu không có xưởng gia công mở mới thì nhu cầu mua kim cương thô là không lớn.
Theo AB (Tổ Quốc)
http://toquoc.vn/ngoi-tren-dong-kim-cuong-tri-gia-35-ty-usd-cac-nha-buon-run-so-5202086102239503.htm