Đây là chia sẻ của ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát về kế hoạch sản xuất vỏ container tại cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên 2021. Kết quả kinh doanh "hoành tráng" đã giúp cho giá cổ phiếu của Hòa Phát tăng mạnh, và ông Trần Đình Long trở thành tỷ phú đô la giàu thứ 2 Việt Nam, xếp sau ông Phạm Nhật Vượng.
Vào đầu năm nay, Hòa Phát công bố kế hoạch sản xuất vỏ container với công suất 500.000 TEU/năm, tập trung vào các sản phẩm container phổ biến, có chiều dài 20-40 feet. Nhà máy sẽ được khởi công vào tháng 6/2021 tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Quyết định này gặp một số ý kiến quan ngại khi hiện nay, chỉ 6 công ty Trung Quốc đã chiếm đến 90% lượng cung ứng vỏ container trên toàn cầu. Việt Nam chỉ có một số đơn vị nhỏ thực hiện mua, bán hoặc sữa chữa, tân trang container cũ để bán lại.
Một chuyên gia cho biết, nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam không ai nghĩ đến việc đi sản xuất container vì giá thành phụ thuộc vào quy mô và nguồn nguyên liệu. Nếu quy mô không đủ lớn thì không thể cạnh tranh được với các nhà sản xuất của Trung Quốc khi một đơn vị cỡ nhỏ đã đạt công suất khoảng 1 triệu TEU/năm.
Còn nguồn nguyên liệu – nếu đi nhập khẩu thép về làm container thì đương nhiên là thua.
Tuy nhiên, ông Trần Đình Long rất tự tin. Theo ông Long, về bản chất, vỏ container chỉ là một sản phẩm cơ khí – vốn là lĩnh vực mà Hòa Phát đã có 30 năm kinh nghiệm, không có gì khó khăn.
Vấn đề của sản phẩm này là chi phí. 60% chi phí sản xuất container là thép, còn lại 40% là chi phí của gỗ ván sàn, sơn, phụ kiện…
Trong khi đó, nguyên liệu thép cho sản xuất vỏ container là loại thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng tự nhiên, kháng thời tiết là sản phẩm thuộc dự án Dung Quất của Hòa Phát.
Với sản lượng 500.000 TEU/năm, nhà máy sẽ tiêu thụ 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC/năm, là đầu ra cho Dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát. Như vậy có thể nói container là sản phẩm giá trị gia tăng nằm trong hệ sinh thái sản xuất gang thép của Hòa Phát.
Các chi phí khác như Gỗ ván sàn được mua tại Việt Nam với chi phí rẻ hơn. Còn sơn được mua từ các nhà cung cấp sơn quốc tế - những đơn vị cũng đang cung cấp cho thị trường Trung Quốc, chi phí là tương đương.
"Làm dự án container, tôi quy định với các bạn ở ban dự án là không được làm đắt hơn các anh bạn phương Bắc" – Ông Long nói.
Quan trọng hơn, ông Long đánh giá, Hòa Phát có lợi thế lớn hơn các nhà sản xuất Trung Quốc ở 2 yếu tố: (1) giá nhân công của Việt Nam rẻ hơn khi lương một công nhân cơ khí ở Thượng Hải là 50 triệu đồng/ tháng, còn lương tại Việt Nam chỉ 15 triệu đồng và (2) Giá điện của Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc.
Tỷ phú này cũng phân tích, cách đây 30-40 năm, hoạt động sản xuất có sự chuyển dịch từ các nước G7 sang các nước mới phát triển do vấn đề về chi phí nhân công. Giờ đây, khi thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc vượt 10.000 USD/người/năm, chi phí lao động tăng rất nhanh, đặc biệt trong các ngành sử dụng nhiều lao động không cần quá nhiều chất xám thì quốc gia "hứng" sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang chính là Việt Nam, nơi mà thu nhập bình quân đầu người mới chỉ có 3.500 USD.
"Cho nên, ưu thế của lĩnh vực sản xuất container – không phải chỉ của Hòa Phát mà của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, đó là chi phí lao động đang tốt hơn các nước sản xuất container toàn thế giới. Một khi chi phí sản xuất ở các nước đối thủ càng ngày càng lớn thì đó vẫn là ưu thế của chúng ta" – Ông Long nói.
Ngoài sản phẩm được chờ đón trong tương lai là vỏ container rỗng thì sức cạnh tranh của sản phẩm chính cũng là điều mà các lãnh đạo của Hòa Phát muốn "khoe". Ông Trần Đình Long cho biết, năm 2020, Hòa Phát xuất khẩu một lượng lớn thép và phôi thép sang Trung Quốc – đất nước đang chiếm tới 50% sản lượng thép của toàn thế giới.
Điều này cho thấy sức cạnh tranh của thép Hòa Phát tại chính cường quốc thép phương Bắc. Tuy nhiên, trong tương lai, "vua thép" Việt Nam sẽ giảm dần sản lượng xuất khẩu loại hàng này sang Trung Quốc khi mà khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 đi vào hoàn thiện, đảm bảo được phần hạ nguồn cho sản xuất thép xây dựng và thép cho lĩnh vực chế tạo sâu như ốc vít, ô tô…
"Khi đó, sẽ không còn thừa phôi để xuất khẩu nữa. Khi chúng ta làm đến sản phẩm cuối cùng thì giá trị gia tăng sẽ lớn hơn nhiều" – Vị tỷ phú giàu thứ 2 Việt Nam khẳng định.
Năm 2021, Hoà Phát đặt kế hoạch doanh thu toàn tập đoàn dự kiến 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 18.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 33,15% và 33,27% so với thực hiện năm 2020. Trong quý 1/2021, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn này đạt 7.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với Quý I/2020. Đây là kỷ lục mới về lợi nhuận trong một quý của Hòa Phát suốt gần 30 năm qua.
Theo Ngô My (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)