Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021 được tổ chức ngày 22/4, ban lãnh đạo Hòa Phát đã dành nhiều thời gian chia sẻ với cổ đông về hoạt động sản xuất kinh doanh thép thời điểm hiện tại và những định hướng cho tương lai.
Theo Tổng giám đốc Trần Tuấn Dương, sức cạnh tranh của thép Hòa Phát thời điểm hiện tại ở thị trường Việt Nam là đặc biệt tốt, không doanh nghiệp nào có thể so được. Còn trên thị trường thế giới, thép Hòa Phát ở mức trên trung bình khá, và nằm trong top những doanh nghiệp tốt của thế giới.
Theo ông Dương, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam thấy Hòa Phát làm lò cao cũng đi làm lò cao, và đã có 4-5 cái lò cao mọc lên, thì đến nay đều thất bại.
"Trông thế thôi nhưng không phải là dễ. Hòa Phát tự hào là làm thép rất tốt và đạt trình độ quốc tế. Lúc thị trường thuận lợi, chúng ta có thể đạt kết quả tốt như ngày hôm nay còn lúc khó khăn chúng ta vẫn có thể có nhịp sản xuất ổn định", ông Dương nói.
Tiếp lời ông Dương, tỷ phú Trần Đình Long bổ sung: "Ngày hôm nay, có công ty có lò cao, lò to như Hòa Phát nhưng đang lỗ và đang rất khó khăn".
Nói về việc sản xuất thép và lò cao, ông Dương chia sẻ, việc sản xuất thép không phải đơn giản chỉ là đổ hết nguyên liệu vào lò cao là sẽ có được thép thành phẩm, mà phải phối trộn nguyên vật liệu và đi cùng với đó là kỹ thuật, công nghệ sản xuất.
Khi được hỏi về việc Hòa Phát có ý định mua lại các lò cao đang thua lỗ kia hay không, ông Dương cho biết Hòa Phát cũng đang nghiên cứu, nhưng nhiều khả năng sẽ không mua lại, bởi việc mua lại chưa chắc đã có lợi. Hòa Phát thà bỏ nhiều tiền hơn một chút để xây dựng từ đầu, làm chủ toàn bộ công nghệ, thay vì mua lại và quản lý một lò cao không phù hợp.
Để phát triển mạnh thêm mảng thép, Hòa Phát sẽ đầu tư dự án Dung Quất 2 từ đầu năm 2022 và dự kiến từ năm 2024 sẽ đi vào hoạt động.
Đây là dự án có quy mô vốn 70.000 tỷ đồng và vốn lưu động 15.000 tỷ đồng. Theo Chủ tịch Trần Đình Long, việc vay vốn ngân hàng là không khó, bởi trong cơ cấu tài chính của Hòa Phát, vay nợ vẫn còn thấp so với mức trung bình của một tập đoàn công nghiệp.
Dung Quất 2 sau khi hoạt động sẽ cho ra 5,6 triệu tấn thép/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) và 1 triệu tấn thép thanh, thép dây chất lượng cao, đẩy doanh thu từ 120-140 nghìn tỷ lên trên 200 nghìn tỷ.
Ông Long tự tin về đầu ra của thép, bởi tổng nhu cầu của HRC năm 2020 ở Việt Nam là 12 triệu tấn, tăng trưởng bình quân 10%/năm, trong khi trên thị trường tổng sản xuất của Hòa Phát và Formossa mới chỉ 8 triệu tấn.
Mặc dù làm tiếp dự án Dung Quất 2, nhưng ông Lòng thừa nhận: "Không ai có thể làm thép mãi được" và Hòa Phát sớm muộn cũng sẽ phải đa ngành. Một trong những hướng đi mà Hòa Phát hướng tới là bất động sản. Ông Long cho biết thời gian gần đây, ban lãnh đạo cũng đã đi khảo sát các tỉnh để tìm các khu đất phù hợp xây dựng, phát triển từ đầu.
Ông Long ví von Hòa Phát sẽ đi bằng "hai chân", thứ nhất là tự tìm đất phát triển và thứ hai là M&A một công ty bất động sản. Tuy nhiên, Hòa Phát sẽ chỉ làm khi nắm chắc có lợi, chứ không làm bằng mọi giá.
Câu nói "chỉ làm khi có lợi" cũng được Chủ tịch Long nhiều lần nhắc lại, khi được hỏi về việc có muốn mua mỏ quặng hay làm vận tải biển để hoàn thiện chuỗi giá trị hay không.
Ông Long khẳng định, Hòa Phát cũng đang tìm kiếm và bước đầu thương thảo để mua mỏ quặng, nhưng sẽ chỉ thực hiện thương vụ nếu có lợi, bởi quặng ở trên thế giới còn rất nhiều, Hòa Phát nếu không sở hữu mỏ quặng vẫn có thể mua về để sản xuất thép.
Tương tự như vậy, Hòa Phát cũng không kinh doanh vận tải biển nếu không thấy lợi, mà thay vào đó vẫn thuê tàu để chở hàng hóa như bình thường.
Đối với mảng sản xuất container, ông Long kỳ vọng đạt 500.000 container/năm. Đây là sản phẩm rất khó làm bởi phụ thuộc vào thép đặc thù chống chịu thời tiết. Sản phẩm thép này Hòa Phát đã thử nghiệm và thành công, dự kiến chi phí sản xuất sẽ thấp hơn các đối thủ Trung Quốc.
Theo Hà My (Pháp Luật & Bạn Đọc)