Ngàn tỷ thuế truy thu, bị phản ứng gay gắt
Khi kiểm toán ngân sách TP. Hồ Chí Minh năm 2015, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu Unilever hơn 800 tỷ đồng. Sau khi làm việc lại, thì con số kiến nghị truy thu giảm xuống còn 575 tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí ngày 16/11/2018, ông Vũ Văn Cường, Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cho hay: Giai đoạn 2009-2013, pháp luật không ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với các hoạt động đầu tư mở rộng. Do vậy, giai đoạn này, việc Unilever Việt Nam đầu tư mở rộng nhưng không kê khai, tính, nộp thuế riêng đối với phần thu nhập phát sinh từ các hoạt động này là không đúng quy định.
Từ đó đến nay, Unilever liên tục phản ứng với các quyết định truy thu thuế. Cuối năm 2018, Cục Thuế TP.HCM một lần nữa ra văn bản yêu cầu Unilever cung cấp thông tin về tài khoản để thực hiện cưỡng chế thi hành việc truy thu 575 tỷ đồng tiền thuế theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Ngay lập tức, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để phản ứng. Unilever cho rằng, điều này đặt họ vào tình thế vô cùng khó khăn, gây ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ hoạt động và uy tín của Unilever tại Việt Nam.
Vì thế, Unilever đề nghị Thủ tướng khẩn cấp chỉ đạo các bộ ngành liên quan không thực hiện cưỡng chế doanh nghiệp để thống nhất chờ kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Công ty này giải thích, vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp mà Uniliver gặp phải do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn trước 2014. Đây cũng là vấn đề chung nhiều công ty đang kiến nghị Thủ tướng giải quyết, nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng DN đầu tư nước ngoài và giới ngoại giao.
Một “đại gia” khác cũng ở trong tình trạng tương tự là Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (DN có vốn nhà nước, nay đã thành DN ngoại).
Ngày 28/12/2018, Sabeco nhận được 5 quyết định của Cục Thuế TPHCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Sabeco.
Theo Cục Thuế TP.HCM, đây là việc cưỡng chế liên quan đến số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền chậm nộp của Sabeco. Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích từ tài khoản ngân hàng của Sabeco số tiền thuế và phạt nộp thuế chậm trả là hơn 3.140 tỷ đồng.
Cụ thể, số tiền cưỡng chế gồm tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định trong quá trình thanh tra từ năm 2010 đến 2014 và tiền phạt vi phạm hành chính về thuế của Sabeco; trong đó, số chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2007-2015 là hơn 2.645 tỷ đồng, còn tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 494 tỷ đồng.
Ngay sau đó, Tổng giám đốc Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã có văn bản phản hồi về việc bị truy thu và số tiền phạt. Theo đó, Sabeco không đồng ý với việc cưỡng chế thi hành của Cục Thuế TP.HCM.
Sau cùng, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ ngày 2/1 cho rằng, trong thời gian Thủ tướng đang chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan xem xét, xử lý kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ liên quan đến vấn đề này thì Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Thuế TP.HCM chưa cưỡng chế Sabeco nộp tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính.
"Ngoài tầm" Cục Thuế và chuyện sau kết luận kiểm toán
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2019 ngày 10/1, Cục trưởng Cục thuế TP.HCM Trần Ngọc Tâm cũng nêu khó khăn về trường hợp truy thu thuế của Unilever và Sabeco. Với lý do "ngoài tầm của Cục thuế", ông Trâm kiến nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính có chỉ đạo xung quanh việc xử lý truy thu với Sabeco và Unilever Việt Nam.
Điểm chung của hai vụ truy thu thuế trên đều là xuất phát từ kiến nghị tại kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Cơ quan thuế có trách nhiệm phải thực hiện việc truy thu theo yêu cầu của cơ quan kiểm toán.
Khi bàn về dự thảo Luật Quản lý thuế trên diễn đàn Quốc hội, đã có những tranh luận gay gắt giữa Tổng kiểm toán Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc thực hiện kết luận kiểm toán.
Nguyên nhân bởi tại điều 21 dự thảo Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính có khoản quy định: "Nếu kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế”.
Quy định này khác hẳn với hiện hành, khi mà kết luận của Kiểm toán Nhà nước là độc lập và yêu cầu bắt buộc thực hiện, cơ quan thuế không cần tiến hành kiểm tra, thanh tra lại.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng - khi bảo vệ điều này trước Quốc hội - cho rằng đó là để khi cơ quan thuế ra quyết định truy thu thì “phải có cơ sở pháp lý”, “đảm bảo quyền lợi người nộp thuế”, “tránh khiếu kiện kéo dài”.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị bỏ quy định này vì “không phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015”. Có đại biểu quốc hội cho rằng quy định như vậy “thu hẹp quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước như là bị đẩy ra”.
Trước những câu chuyện thực tế đó, kết luận tại buổi tổng kết của Tổng cục Thuế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cũng đề cập đến việc giải quyết mối quan hệ giữa việc thực hiện các kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với phán quyết của cơ quan thuế sao cho đúng với pháp luật.
Phó Thủ tướng nêu rõ: “Những phán quyết về thuế không thể đẩy lên Thủ tướng và Chính phủ ngồi giải quyết. Phạt hay không phạt phải theo luật. Có gì không đúng là phải qua con đường giải quyết vấn đề khiếu nại, tố cáo, thậm chí giải quyết tranh chấp ở tòa án”.
Theo Hà Duy (VietNamNet)