Ngày 10/1, Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị triển khai công tác thuế năm 2019. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Theo báo cáo của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, kết quả thu ngân sách năm 2018 đạt trên 1,15 triệu tỷ đồng, bằng 107,2% dự toán, tăng 12,3% so với thực hiện năm 2017. Trong đó, thu từ dầu thô đạt trên 66.000 tỷ đồng, thu nội địa đạt 1,08 triệu tỷ đồng.
Năm qua có 61/63 địa phương hoàn thành hoặc vượt mức dự toán thu. Trong đó có 48/63 địa phương vượt trên 7,3% dự toán. Chỉ có 2 địa phương không hoàn thành dự toán do bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân khách quan là Bình Dương, Đồng Nai.
Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận lần đầu tiên thu ngân sách Nhà nước qua hệ thống thuế vượt mức hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 7,3% so với dự toán, tăng 12,3% so với năm trước.
Tốc độ tăng thu nội địa cao hơn tăng trưởng GDP cộng với yếu tố trượt giá, điều này thể hiện thực lực của nền kinh tế. Tính trong 10 năm qua, tổng thu của ngành thuế đã tăng hơn 3,4 lần. Có 40 địa phương đã lên top 5.000 tỷ đồng; 18 địa phương vào top 10.000 đồng, tăng gấp 6 lần so với 10 năm trước.
Phó thủ tướng đánh giá, năm 2018 ngành thuế đạt được kết quả như vậy là do đặt mục tiêu phấn đấu cao ngay từ đầu. Ông cho rằng đây là bài học để tạo động lực và áp lực trách nhiệm, muốn có phấn đấu cao thì phải có chỉ tiêu cao.
Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2019, Phó thủ tướng đề nghị ngành thuế tiếp tục quán triệt các nghị quyết 01, 02 của Chính phủ với tinh thần “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.
Ông cũng nhắc ngành thuế tiếp tục cải cách hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật. Phó thủ tướng cho biết kỳ họp tới Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đây là cơ hội quan trọng với ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng.
Từ thực tiễn công tác quản lý thuế, Phó thủ tướng cũng mong muốn ngành tham mưu sửa đổi các luật về chính sách thuế, bám sát thực tiễn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Ông đề nghị ngành nghiên cứu, chủ động đề xuất ban hành thể chế chính sách thích ứng trong điều kiện kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới, thanh toán mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, công nghệ tài chính (fintech)…
“Làm được điều này giảm bớt phạm vi quản lý theo thuế khoán. Hình thành văn hóa đóng thuế, cùng với thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt thì nền kinh tế minh bạch lên, kinh doanh nhiều nộp thuế nhiều, kinh doanh ít nộp thuế ít, không có kinh doanh thì không nộp thuế”, ông nói.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề cập đến việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro. Việc thanh tra, kiểm tra không được gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, làm xói mòn niềm tin, làm hư hỏng cán bộ và làm gia tăng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, hạn chế sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo Trần Nguyễn (Tri Thức Trực Tuyến)