'Dự án BT biến tướng thành giao dịch ngầm giữa DN và cơ quan quản lý

29/10/2018 08:24:00

Dẫn con số 90% các dự án BT lựa chọn nhà đầu tư qua chỉ định thầu, ĐB Mai Sỹ Diến lo dự án BT biến tướng thành giao dịch ngầm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.

Sáng nay (29/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung liên quan đến ngân sách Nhà nước và đầu tư công. 

Cụ thể, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.

Quốc hội cũng thảo luận về đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Sau khi các đại biểu Quốc hội cho ý kiến, một số thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

'Dự án BT biến tướng thành giao dịch ngầm giữa DN và cơ quan quản lý
Ngân sách và đầu tư công là 2 vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận ở tổ. Ảnh: Hoàng Hà.14

11h00 Bộ trưởng Giao thông Vận tải giải trình trước Quốc hội

'Dự án BT biến tướng thành giao dịch ngầm giữa DN và cơ quan quản lý - 1
Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải thừa nhận những vấn đề đại biểu nêu liên quan đến ngành là "đúng và trúng".

Ông cung cấp thông tin liên quan đến 2 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cao tốc Long Thành được đại biểu yêu cầu cung cấp tiến độ và kế hoạch giải ngân để triển khai.

Về tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ trưởng Thể cho biết các bộ, ngành, Chính phủ xem là một trong các dự án trọng tâm, cố gắng đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, 3 năm tiếp hơn 100 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... và luôn yêu cầu tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật. Với dự án này chúng tôi thực hiện nghiêm đúng trình tự thủ tục, đảm bảo tiến độ.

Quốc hội có nghị quyết này, sau đó Chính phủ giao quyết định cho các bộ ngành triển khai. Sau đó Bộ GTVT đấu thầu tư vấn lập dự án, mất 2 tháng chọn nhà tư vấn, gồm 11 dự án thành phần. Các nhà tư vấn làm nhiều việc, bao gồm đánh giá tác động môi trường.. thống nhất với địa phương về quy mô, ảnh hưởng... Tư vấn làm khẩn trương, đến nay, có 11 dự án, và Bộ đã phê duyệt 5 dự án. 5 dự án khác đang trình Chính phủ thống nhất, dự kiến phê duyệt đầu tháng 11. Dự án chậm là cầu Mỹ Thuận 2, phải đấu thầu và lập dự án mất thời gian. Cố gắng phê duyệt vào tháng 12 tới. 

Bộ GTVT sẽ đấu thầu tư vấn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, sau đó mới đầu thầu thi công. Tháng 9/2019 mới hoàn thành các khâu này. Sau đó sẽ xây dựng vào 2020-2021.

Riêng giải phóng mặt bằng đầu 2019 sẽ giao địa phương kiểm đếm và hoàn thành giải phóng mặt bằng. 

10h09 Dự án BT có thể biến tướng thành giao dịch ngầm giữa DN và cơ quan quản lý

'Dự án BT biến tướng thành giao dịch ngầm giữa DN và cơ quan quản lý - 2

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) đang có khoảng trống pháp lý. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy 90% các dự án BT lựa chọn nhà đầu tư qua chỉ định thầu. Thời điểm giao đất thanh toán, thời điểm giao dự án còn nhiều bất cập.

"Dự án BT có thể trở nên biến tướng thành giao dịch ngầm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước", ông cảnh báo.

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị thu hồi 4.515 tỷ đồng qua các dự án BT. Nhiều dự án, nhà đầu tư được giao nhiều khâu như lập dự án, lập dự toán đầu tư, thẩm định dự án, giám sát dự án… Điều này có thể dẫn đến không đảm bảo tính khách quan, gây thất thoái cho ngân sách.

Từ đó đặt câu hỏi việc thực hiện dự án BT chưa thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách. Và đặt câu hỏi có nên thực hiện tiếp hay không? Có cần thiết phải có thể chế mới về hình thức đầu tư này hay không? Chính phủ cần cân nhắc và báo cáo Quốc hội.

08h52 Làm rõ nguyên nhân thu ngân sách từ thuế, phí giảm

'Dự án BT biến tướng thành giao dịch ngầm giữa DN và cơ quan quản lý - 3

ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu tỷ trọng thu ngân sách từ thuế và phí đang giảm dần. Năm 2016 đạt 20,4%; năm 2017 đạt 20,2%; năm 2018 đạt 20,7% và dự kiến năm 2019 đạt 20%. Như vậy mục tiêu tỷ lệ thu từ thuế và phí giảm dần và khó đạt được mục tiêu của 5 năm 2016-2020.

Ông đề nghị làm rõ nguyên nhân và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu.

Trong 3 năm qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đều không đạt dự toán và nghị quyết của Quốc hội. Năm 2016 đạt 84%; năm 2017 là 81,7% và năm 2018 dự kiến đạt 88,12. Trong khi đó giải ngân vốn trái phiếu của Chính phủ cũng rất thấp, trung bình chỉ trên 40%. Việc giao kế hoạch chậm và giải ngân chậm gây giảm hiệu quả đầu tư.

Ông kiến nghị phân tích nguyên nhân chậm giao kế hoạch, giải ngân chậm, xem xét lại các quy định để sửa đổi cho phù hợp tình hình hiện nay.

ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) quan ngại trước thực tế chủ yếu tăng thu ở địa phương là từ đất. Nếu loại bỏ yếu tố thu từ đất thì nhiều địa phương hụt thu. Trong doanh nghiệp còn thất thu thuế, chuyển giá. Nguồn thu năm 2018 và các năm trước vẫn chưa vững chắc. Cần có kế hoạch thu ở những nơi còn dư địa, cũng cần chống chuyển giá.

08h45 Sớm hướng dẫn việc thanh toán các dự án BT

ĐB Trần Đăng Ninh (Hòa Bình) cho rằng về các dự án BT, vướng mắc hiện nay là dừng thanh toán quỹ đất, khi có hướng dẫn mới. Đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đã ứng vốn thực hiện dự án.

'Dự án BT biến tướng thành giao dịch ngầm giữa DN và cơ quan quản lý - 4

08:39

Không ở đâu mỗi tỉnh một dự án như Việt Nam

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nêu thực tế hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết về đầu tư công trung hạn, tổng múc đầu tư 2 triệu tỷ đồng cho 9.620 dự án. Ở rất nhiều dự án tại địa phương dở dang, thiếu vốn là rất lớn. Trái phiếu chính phủ, mỗi địa phương được phân bổ 1 dự án (trong khoảng 200.000 tỷ đồng).

Kinh nghiệm của các nước chỉ tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, không ở đâu mỗi tỉnh có một dự án. Như ở Australia đầu tư vào sân bay, ở Hàn Quốc thì tư nhân làm đường cao tốc.

'Dự án BT biến tướng thành giao dịch ngầm giữa DN và cơ quan quản lý - 5

Mong muốn của các địa phương là chính đáng, cần thiết, nhưng nợ công, bội chi lớn, bắt buộc chúng ta phải chọn tập trung, không dàn trải. Công bằng không có nghĩa là cào bằng, có trọng tâm không có nghĩa là chỉ một số địa phương được đầu tư.

Theo bà Mai, cần thay đổi nguồn lực, thay đổi trật tự ưu tiên ở các văn bản pháp luật. Đề xuất dự án có sự liên kết của nhiều địa phương, để lan tỏa. Thứ ba cần nâng cao công tác quy hoạch. Thứ tư, Nhà nước chỉ thực hiện đầu tư ở ngành mà tư nhân không thể, không muốn đầu tư. Cần xem lại hiệu quả đầu tư của các dự án hoàn thành.

Xét kết quả đầu ra, không phải dự án nào cũng hiệu quả. Chúng ta không có câu trả lời về sự hiệu quả cao, thấp hay không hiệu quả. Ngay từ khi lựa chọn dự án thì phải đánh giá đầu ra và hiệu quả. Tăng cường công tác giải trình và giám sát. Việc đánh giá những bất cập ngày hôm nay là tạo tiền đề cho những bước hiệu quả trong thời gian tới.

Người bệnh vẫn phải chia sẻ 43%

ĐB Ngô Kim Yến (Đà Nẵng) quan ngại về việc chi ngân sách Nhà nước đối với y tế chưa đảm bảo tinh thần ưu tiên.

Tỷ lệ người dân lớn chưa tham gia bảo hiểm, 13%, kiểm soát bội chi khiến BHYT không bảo đảm nhiều việc. Nhiều gia đình trên trung bình về đói nghèo sau đợt chữa trị. Chuẩn thế giới tỷ lệ người bệnh chia sẻ phần chi phí ý tế phải dưới 30% mới đảm bảo trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam là 43%. Trong khi đó,.17% dân số có các bệnh cần quản lý, điều trị lâu dài.

Từ đó, bà đề xuất tăng phần chi cho y tế.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết tối trước phiên thảo luận, 3 dự thảo về nghị quyết của Quốc hội mới được gửi tới đại biểu. Ông đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng để tham gia thảo luận.

Cần đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo về khả năng cân đối nguồn vốn

ĐB Nguyễn Trường Giang (Đăk Nông) tán thành đánh giá liên quan đến đầu tư công 3 năm qua. Tuy nhiên, ông cho rằng cân đối ngân sách TƯ khó khăn, tỷ lệ bội chi ngân sách còn ở mức cao. 

CP cần đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo về khả năng cân đối nguồn vốn, sau đó mới đảm bảo tổng mức đầu tư công trung hạn không vượt kế hoạch 20.000 tỷ đồng.

Những công trình sử dụng vốn trái phiếu CP khả năng thiếu vốn là khá rõ ràng, khi không phát hành được 60.000 tỷ đồng trái phiếu, mà vay nước ngoài phải có công trình cụ thể, có kế hoạch. 

Thời gian đầu tư công trung hạn còn hơn 2 năm, có thể có những vấn đề cấp bách, bất khả kháng phát sinh, nên cần có phần dành lại. 

Ông nhấn mạnh việc giữ kỹ luật, kỷ cương ngân sách Nhà nước.

2 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội

Trong hai ngày 26-27/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Quốc hội cũng đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết trong 2 ngày đã có 88 đại biểu phát biểu, 3 đại biểu tham gia tranh luận. Các Bộ trưởng Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Nông nghiệp và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giải trình thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nội dung thảo luận rộng, toàn diện, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính phản biện khá cao. Những ý kiến đóng góp sẽ được Ủy ban Thường vụ tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện nghị quyết trình Quốc hội.

Theo Nhóm phóng viên (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật