Đại biểu Quốc hội: 'Vụ đổi 100 USD ở Cần Thơ cho thấy mức phạt không phù hợp'

27/10/2018 14:53:00

Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư cho rằng, mức phạt vi phạm hành chính khi đổi 10 USD, 100 USD hay 100.000 USD đều từ 80 triệu đến 100 triệu đồng là không phù hợp.

Video: Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 27/10

16h58

Phiên thảo luận chiều nay kết thúc lúc 16h58.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong 2 ngày nghị sự về kinh tế xã hội đã có 88 đại biểu nêu ý kiến, 3 đại biểu tranh luận. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và 5 Bộ trưởng đã tham gia giải trình trước Quốc hội.

16h00 Đề xuất tổng rà soát quỹ đất toàn quốc

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng nêu bất cập trong quản lý đất đai như đất quốc phòng ở Hải Phòng, rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội)... cho thấy tình trạng "cát cứ trong quản lý, dẫn tới khiếu kiện đất đai chiếm 70% tổng vụ khiếu kiện hành chính". 

Để khắc phục tình trạng trên, ông Dũng đề xuất tổng rà soát quỹ đất trong toàn quốc, khắc phục tình trạng quy hoạch không đúng thực trạng, đo vẽ trên bản đồ không đúng thực tế, không quản lý được trên thực địa dẫn tới lấn chiếm, không thể thu hồi. 

15h15 "Tiềm năng lớn nhưng vị trí trên bản đồ thế giới còn khiêm tốn"

Dẫn một số tài liệu nghiên cứu, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói dân số Việt Nam hơn 96 triệu người, đứng thứ 15/243 quốc gia, vùng lãnh thổ; diện tích đứng thứ 61; đường duyên hải đứng thứ 33/154 quốc gia có đường duyên hải; đất canh tác đứng thứ 32/236 quốc gia.

"Như vậy Việt Nam nằm trong 1/3 quốc gia, vùng lãnh thổ có tiềm lực về dân số, diện tích đất canh tác và chiều dài đường duyên hải", bà nói,

Tuy nhiên, với tiềm năng không nhỏ như trên thì Việt Nam vẫn có vị trí rất khiêm tốn trên bản đồ thế giới ở một số khía cạnh khác. Đó là, thu nhập bình quân đầu người 129/180 quốc gia; chỉ số ô nhiễm môi trường đứng thứ 132; chỉ số cảm nhận tham nhũng đứng thứ 107; chỉ số phát triển con người đứng thứ 116, chỉ số chất lượng sống đứng thứ 65/66 quốc gia được đánh giá.

Như vậy, nếu xét các chỉ số nêu trên thì Việt Nam chỉ nằm trong 1/3 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc nhóm sau của thế giới.

"Thời gian tới chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, có nhiều việc cần phải làm và phấn đấu", bà Hoa nhấn mạnh.

15h10 "Lo ngại khoảng cách tụt hậu tăng nhanh"

Dành 10 phút giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, tình hình phát triển kinh tế xã hội 3 năm qua "nhìn chung là thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối kinh tế lớn được đảm bảo". 

Tuy nhiên, theo ông, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ cuộc chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trên thế giới; tỷ giá, lãi suất đang gây áp lực lớn trong điều hành. Ngoài ra còn có thách thức trong biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

Ông cũng lo lắng khoảng cách tụt hậu với các nước ngày càng tăng. Bộ trưởng Dũng phân tích, đạt được kết quả như vừa qua "mừng nhưng vẫn còn lo". Cụ thể, GDP bình quân đầu người hiện mới đạt 2.540 USD, trong khi mục tiêu đến năm 2020 phải đạt 3.200 - 3.500 USD. "Như vậy giai đoạn vừa qua mỗi năm GDP bình quân đầu người tăng 100 USD, và 2 năm còn lại phải tăng thêm 800-1.000 USD là thách thức lớn. Nếu không đạt được thì khoảng cách tụt hậu càng gia tăng", ông nêu.

14h35 "Tồn tại nơi đổi ngoại tệ bất hợp pháp trước hết là trách nhiệm của nhà nước"

Về công tác tư pháp, ông Nguyễn Chiến cho rằng một nền kinh tế phát triển trong cơ chế thị trường thì điều căn bản là minh bạch về sở hữu, rõ ràng về quyền lợi, doanh nghiệp trong hay ngoài nhà nước phải bình đẳng, không phân biệt đối xử. Quyền lợi hợp pháp của người dân tham gia trong nền kinh tế phải được bảo đảm. Chính phủ cần quan tâm hơn nữa công tác tư pháp trong kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Đề cập đến vụ việc vừa qua người thợ điện ở Cần Thơ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, ông cho “là điển hình về thiếu trong quy định, yếu trong áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý nhà nước làm dư luận không đồng tình".

Theo ông, việc xoá bỏ tình trạng đô la hoá cần được thực thi, đổi ngoại tệ không đúng nơi được cấp phép phải bị phạt nhưng cơ quan chức năng có trách nhiệm giúp người dân nhận diện, phân biệt nơi nào được đổi, nơi nào không được đổi.

“Sự tồn tại của những nơi đổi ngoại tệ bất hợp pháp còn rất nhiều, thì đó trước hết phải là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Chiến nhấn mạnh.

Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư cho rằng, mức phạt phải xem xét lại vì đổi 10 USD, 100 USD hay 1.000 USD, 100.000 USD đều phạt mức 80 triệu đến 100 triệu đồng là không phù hợp.

“Cơ chế thị trường có cung ắt có cầu, thị trường mua bán chuyển đổi ngoại tệ đen ngày đêm vẫn hoạt động công khai hầu như không được kiểm soát và xử phạt. Thiết nghĩ nhà nước phải thu hẹp thị trường này trước để người dân không còn vi phạm như anh thợ điện”, ông nói.

14h30 Bao giờ Việt nam có 'công nghiệp văn hoá'

Nhắc lại 2 kỳ họp trước đã nêu vấn đề văn hoá và đặt câu hỏi chất vấn lãnh đạo Chính phủ nội dung này, song ông Nguyễn Quốc Hưng cho biết "đầu tư cho văn hoá, sáng tác, phê bình văn học nghệ thuật vẫn chưa tương xứng; đầu tư ở đây không chỉ bằng tiền, mà cần cả con người, tri thức".

Ông nói thêm, vấn đề đặt ra là nhận thức về vai trò của văn hoá là nền tảng, mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đã đi vào cuộc sống hay chưa? Đến bao giờ nhận thức, hành động cụ thể chứ không phải coi văn hoá là "đàn ca, múa hát" không thôi?.

Nói tới khái niệm "công nghiệp văn hoá", đại biểu thành phố Hà Nội nhìn nhận, ở các nước phát triển đây là ngành công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy đổi mới, củng cố sức mạnh mềm quốc gia... Còn ở Việt Nam, công nghiệp văn hoá mới ở mức sơ khai, nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp, nguồn thu kinh tế từ văn hoá chưa được bao nhiêu.

"Sự thiếu chuyên nghiệp đã làm lãng phí tiềm năng về văn hoá của Việt Nam", ông Hưng nêu.

Video: Đại biểu Nguyễn Chiến phát biểu tại Hội trường.

14h20 Tiền chi chăm sóc y tế cho một người Việt chưa bằng 1/3 Trung Quốc

Đề cập đến công tác chăm sóc sức khoẻ người dân, ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội nhận xét, trong những năm gần đây Chính phủ đã đầu tư nguồn lực và có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Để làm tốt hơn nữa, theo ông Tuấn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng ngành y tế.

Ông Tuấn dẫn thống kê của Tổ chức y tế Thế giới cho hay, năm 2014 tổng chi cho y tế của Việt Nam chia bình quân là 140 USD/người, chưa bằng 1/2 so với các nước có thu nhập trung bình là 290 USD, chưa bằng 1/3 so với Trung Quốc là 420 USD. Với nguồn ngân sách hạn hẹp, ông đề nghị Chính phủ cần có cơ chế thông thoáng để huy động các nguồn lực xã hội chung tay chăm sóc sức khoẻ người dân 

Đại biểu này cũng đề cập đến việc tỷ lệ chi ngân sách cho y tế có xu hướng giảm. Năm 2016 là 97.600 tỷ đồng chiếm 7,67% tổng chi  ngân sách; năm 2018 ước thực hiện 92.745 tỷ đồng, chiếm 5,85% tổng chi ngân sách, chưa tính trái phiếu Chính phủ.

"Nếu so 2 tỷ lệ % trên thì năm 2018 giảm, trong đó chi mua hỗ trợ bảo hiểm y tế cho đối tượng chính sách là 22.628 tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng chi ngân sách cho ngành y tế. Do vậy chưa đảm bảo chi thường xuyên cho ngành. Tôi kiến nghị Quốc hội quan tâm phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm cho ngành y tế", ông Tuấn nói.

14h10 "Đừng xem khởi nghiệp là phong trào"

Bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, khởi nghiệp tạo ra động lực và nguồn lực mới cho sự phát triển kinh tế. Đó là những ý tưởng khởi tạo trong các lĩnh vực khác nhau, nên giá trị của nó không chỉ là thành công tài chính của một dự án kinh doanh mà còn có ý nghĩa xã hội lớn. Tuy nhiên, hiện nay khởi nghiệp vẫn khó khăn, không phải vì nguồn vốn tài chính mà thiếu kinh nghiệm, kiến thức. 

"Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt khó khăn. Để phát triển lĩnh vực này, Nhà nước cần hỗ trợ vốn và pháp lý cho thanh niên nông thôn, gắn với mục tiêu mỗi xã một sản phẩm", bà Lan nói.

Đại biểu cũng đề nghị phải xem khởi nghiệp quốc gia không phải là phong trào mà xây dựng cơ sở mạnh, bền vững từ trong các trường đại học.

14h05 Đề nghị xử lý Bộ, ngành ra văn bản trái luật

Tham gia ý kiến, đại biểu Quách Thế Tản đề cập đến việc năm 2017 có gần 5.640 văn bản trái pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương được ban hành.

Ông đề nghị Chính phủ có chỉ đạo khắc phục tình trạng trên. "Bộ, ngành nào ban hành văn bản trái luật cần có xử lý, do ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh và làm mất niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp", vị đại biểu nhấn mạnh.

14h02

Phiên làm việc về kinh tế - xã hội ở nghị trường tiếp tục từ 14h chiều nay 27/10; các Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng sẽ phát biểu về nội dung đại biểu quan tâm.

14h00

Trong hai ngày 26 và 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch năm 2019.

Quốc hội cũng đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phiên làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Đại biểu Quốc hội: 'Vụ đổi 100 USD ở Cần Thơ cho thấy mức phạt không phù hợp'
Toàn cảnh phiên làm việc của kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XIV. Ảnh: Ngọc Thắng

Theo PV (VnExpress.net)

Nổi bật