Cũng tại phiên họp này, Quốc hội cũng dành phần lớn thời gian thảo luận về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017. Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.
Trong phiên thảo luận này, các thành viên Chính phủ cũng sẽ phát biểu và giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn Thừa Thiên - Huế, thời gian qua Chính phủ đã tập trung xử lý nhiều vấn đề cấp bách trog đầu tư như việc xử lý 12 dự án thua lỗ, trong đó có 9 dự án đang khôi phục, còn 3 dự án có khả năng phải tính biện pháp xử lý. Vậy công tác giải ngân, xử lý các dự án này như thế nào?
Cũng theo ông Nghĩa, Quốc hội đã có Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, trong đó nhiều dự án lớn có tính lan tỏa phát triển nền kinh tế quốc dân. Quốc hội cũng đã có quyết tâm lớn trong đầu tư như sân bay Long Thành, các dự án an sinh xã hội… Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung nguồn vốn giải ngân cho các dự án lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Trước đó, trong hai ngày 26 - 27/10, Quốc hội đã thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Trong quá trình thảo luận, đã có 88 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và 3 đại biểu tham gia tranh luận. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và 5 thành viên khác của Chính phủ là Bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo đã tham gia phát biểu, giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.
Tại các phiên thảo luận, nhiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội cũng thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm 2016 - 2018, đồng thời bày tỏ sự vui mừng với những kết quả nổi bật đã đạt được, đó là: Tăng trưởng kinh tế đạt và vượt kế hoạch Quốc hội đề ra trong 3 năm qua, bình quân 3 năm đạt 6,57% (cao hơn giai đoạn trước chỉ là 5,91%), riêng năm 2018 dự kiến đạt 6,7%, song cũng có khả năng phấn đấu cao hơn mức này.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn về kinh tế được bảo đảm, tạo môi trường, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Cơ cấu thu, chi ngân sách Nhà nước chuyển dịch tích cực; bội chi ngân sách Nhà nước giảm dần, nợ công trên GDP giảm, bảo đảm ở mức an toàn; các chỉ tiêu về lao động và việc làm được bảo đảm; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, dần chuyển dịch sang chiều sâu, năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể.
Theo V.Tôn (Báo Tin Tức)