Trạm thu phí thành 'thu giá': Có hay không nhóm lợi ích?

25/05/2018 10:23:47

Vì sao trạm thu phí đổi thành trạm thu giá?

Dù chưa chứng minh được có nhóm lợi ích đằng sau nhưng với những gì xảy ra thời gian vừa, qua dư luận có quyền đặt câu hỏi liệu có “ngựa quen đường cũ”, chuyển sang hình thức “thu giá” để dễ dàng cho việc tăng giá, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết.

Trạm thu phí thành 'thu giá': Có hay không nhóm lợi ích?
Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá.

Lý giải về việc đổi tên trạm “thu phí” thành trạm “thu giá” đối với các dự án BOT (kinh doanh – xây dựng – chuyển giao), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Thể cho biết, phí mang tính chất quản lý nhà nước liên quan đến Hội đồng Nhân dân, Quốc hội quyết định trong khi hình thức đầu tư BOT được xem là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá.
“Việc chuyển đổi tên trạm “thu phí” thành trạm “thu giá” không có gì khác mà còn linh động hơn rất nhiều cho việc điều chỉnh mức thu bởi lẽ muốn điều chỉnh phí thì phải thông qua Hội đồng Nhân dân nên rất chậm”, ông Thể nói.

Bình luận về vấn đề này, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, bản chất của phí là giá, nhưng giữa phí và giá có những điểm khác nhau. Cụ thể, phí là khoản tiền trả cho hoạt động, dịch vụ mang tính phục vụ rõ, đặc biệt tổ chức, cơ quan công quyền thường cung cấp loại hình dịch vụ này.

Theo ông Long, hiện nay, điều chỉnh về phí và giá có 2 luật khác nhau trong đó giá được quy định tại Luật Giá năm 2012, phí được điều chỉnh bởi Luật Phí và lệ phí có hiệu lực ngày 01/01/2017.

Trước kia, hiện tượng phí tràn lan, phổ biến, trước thực trạng đó phải hoàn thiện luật. Nhà nước quy định cơ quan hành pháp quy định danh mục cụ thể phí, lệ phí, danh mục có tính chất pháp quy do cơ quan lập pháp quy định. Còn giá là sự thoả thuận giữa 2 bên mua và bán với cơ chế quản lý giá nếu giá cạnh tranh do thị trường quyết định, người dùng hay bên cung cấp cũng không thể quyết định được, nếu giá trên thị trường độc quyền hoặc có doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thì Nhà nước phải quy định giá trần, giá sàn, khung giá, ông Long giải thích.

Bộ Tài chính soạn thảo một loạt loại phí và được Thường vụ Quốc hội thông qua. Như vậy, nếu muốn đổi từ phí sang giá phải được cơ quan lập pháp chấp nhận.

Phí chuyển sang giá cũng phải xem xét bản chất, nếu để phí hoàn lại một phần bù đắp chi phí, vừa mang tính chất phục vụ, người dân đã đóng thuế để chi trả, còn những mặt hàng, dịch vụ nhà nước không bao cấp phải chuyển sang giá.

Ông Long đặt vấn đề, đổi từ thu phí thành thu giá, liệu có đúng và cho biết, BOT là một loại hình dịch vụ mang tính chất độc quyền, việc thu phí thực chất là một loại độc quyền mà doanh nghiệp đã đầu tư phải thu lại. Nếu với tính chất độc quyền dù chuyển sang Bộ Giao thông vận tải quyết định, cuối cùng Bộ Giao thông vẫn phán xét, không thể đẩy cho doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ nêu đề xuất. Bộ Giao thông có thể quyết định tăng hoặc giảm.

Khi mua sản phẩm người mua là người trả giá, thu giá là người bán, việc đổi thu phí thành thu giá, nghe ngôn từ Việt Nam không thuận. Từ nếu “thu giá” dùng đúng bản chất là dùng cho người đi bán, tức chính là chủ đầu tư làm BOT.

“Mục đích nếu đưa sang thu giá, quan trọng mỗi lần điều chỉnh có nhóm lợi ích đằng sau hay không? Dù chưa chứng minh được nhưng với những gì xảy ra thời gian vừa qua nhóm lợi ích rất rõ, thể hiện qua nguyên tắc đấu thầu nhưng không đấu thầu mà chỉ định thầu, chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nên dư luận có quyền đặt câu hỏi, ngựa theo đường cũ, chuyển sang hình thức này để dễ dàng cho việc tăng giá?” ông Long nói.

Theo Nguyễn Thảo (Bizlive.vn)

Nổi bật