Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Huy Hiếu - phó vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải - cho biết việc chuyển đổi tên gọi phí sử dụng đường bộ sang giá dịch vụ sử dụng đường bộ là theo quy định của Luật phí và lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25-11-2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.
Nhưng ở góc độ ngôn ngữ học, chữ trạm "thu giá" liệu được dùng đúng? Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của giới chuyên môn.
Tôi khẳng định thu giá chưa bao giờ xuất hiện trong bất cứ từ điển tiếng Việt cũng như tiếng Hán nào. Đây chẳng qua là chiêu trò nhằm trốn từ “phí” vốn đã rất thông dụng trong tiếng Việt
TS ĐỖ PHƯƠNG LÂM
Bà NGUYỄN TRUNG THUẦN (nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển, Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam) nêu ý kiến:
"Phí" và "giá" hoàn toàn khác nhau
"Phí" là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ.
Phí gắn với tiền cụ thể, nộp phí là nộp tiền, thu phí là thu tiền. Miễn phí là không phải trả tiền dịch vụ.
Các loại phí thường gặp trong đời sống là học phí, viện phí, án phí, cước phí, phí dự thi, dự tuyển, phí trông giữ xe ở các bãi giữ xe, phí tham quan (thường bằng hình thức bán vé), phí giới thiệu, tư vấn việc làm, phí bảo vệ môi trường, phí giao thông...
Mức phí là khoản tiền thu khá ổn định, muốn thay đổi nó phải có lộ trình, phải có một thông tư riêng về việc thu phí, mức phí cũng như lộ trình tăng phí của cơ quan có thẩm quyền.
Còn "giá" thuộc về phạm trù khác hẳn, là giá trị được biểu hiện bằng tiền, không gắn với đồng tiền cụ thể. Giá đầy biến động, luôn thay đổi, chỉ có thị trường mới điều tiết được giá mà chẳng cơ quan chức năng nào có thể can thiệp được.
Chẳng hạn, một tờ báo đưa tin: Giá heo hơi miền Bắc hôm nay đang được thu mua với mức giá rất tốt, khoảng 45.000 - 49.000 đồng/kg. So với hồi cuối tuần trước, hiện giá heo tại đây đã tăng 2.000 - 4.000 đồng/kg.
Một khi "giá" đã là giá trị được biểu hiện bằng tiền, không gắn với đồng tiền cụ thể, lại đầy biến động như thế thì thử hỏi "thu giá" là thu cái gì đây, là thu giá trị suông của đồng tiền? "Thu giá" sẽ được chốt ở mức nào đây, là chạy theo thị trường sao?
TS ĐỖ PHƯƠNG LÂM (Đại học Hải Phòng):
Không đúng quan hệ ngữ nghĩa
Gần đây, trong văn bản hành chính của một số cơ quan nhà nước xuất hiện các cụm từ mới: thu giá và trạm thu giá
Sự xuất hiện của những cụm từ này khiến tiếng Việt hiện nay song song tồn tại cả hai danh từ trạm thu phí và trạm thu giá. Trong khi đại bộ phận người dân và các phương tiện thông tin đại chúng sử dụng cách nói truyền thống trạm thu phí, thì riêng một số văn bản hành chính lại dùng từ trạm thu giá.
Trạm thu giá được Bộ Giao thông vận tải giải thích là "nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ...". Như vậy, từ cách nói này, chúng ta có thể hiểu giá là một thứ hữu hình có thể thu và nộp. Nhưng giá tức giá cả, là yếu tố Hán Việt, dùng để chỉ mức đo giá trị hàng hóa, chỉ thang độ như giá cả, giá thành, giá trị, giá chợ đen...
Giá chỉ là biểu hiện về giá trị, chứ không phải là cái gì cụ thể, vì thế không thể thu hay nộp. Còn phí là khoản tiền, khoản chi tiêu vào một việc nào đó như: học phí, lộ phí, viện phí... Theo Từ điển tiếng Việt, phí còn được hiểu là "khoản tiền phải trả cho một công việc phục vụ, dịch vụ công cộng nào đó".
Vì thế, chỉ có thể nói thu phí cầu đường mà không thể nói thu giá cầu đường. Các cụm từ thu giá, trạm thu giá được cấu tạo không đúng quan hệ ngữ nghĩa giữa các thành tố.
Lẽ ra nên phân biệt phí đường bộ thông thường với phí BOT thì Bộ GTVT lại đặt ra khái niệm thu giá. Tạo ra một từ mới là thu giá, là một từ rất tối nghĩa, nếu không muốn nói là vô nghĩa. Bởi nó là một từ không đúng quan hệ ngữ nghĩa giữa hai thành tố cấu tạo.
Theo V.V.Tuân (Tuổi Trẻ)