5 phương án 'giải cứu' BOT Cai Lậy
Chiều 22/5, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã giải thích việc đổi tên trạm thu phí BOT thành trạm thu giá BOT. Ông cho rằng việc đổi tên là căn cứ quy định của Chính phủ.
Theo đó, BOT là sản phẩm của doanh nghiệp, sản phẩm đó do doanh nghiệp ấn định giá. Còn phí là mang tính Nhà nước, do quy định nghị định. Thẩm quyền điều chỉnh phí là sự cho phép của HĐND, Quốc hội, còn giá là dịch vụ cung cấp của doanh nghiệp nên có thể điều chỉnh cho hợp lý tùy theo tình hình.
Chưa đúng bản chất
Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng căn cứ mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đưa ra “BOT là sản phẩm của doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp định giá” là chưa thuyết phục.
Ông Hiển cho rằng những con đường BOT hiện tại được nói đến nhiều đều là những dự án quốc gia. Với các dự án quốc gia như vậy thì đều có vai trò của Nhà nước.
“Việc tính toán suất đầu tư, duyệt phương thức thu phí phải liên quan Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính. Ví như dự án BOT Cai Lậy, rõ ràng đó là một con đường quốc gia. Bộ GTVT được giao thực hiện nhưng bộ trưởng giải thích lại hiểu là BOT tư nhân, do doanh nghiệp quyết định về giá, đó là một chuyện khó hiểu”, ông Hiển nói.
Trao đổi thêm, ông Hiển nói rằng các dự án BOT lớn như cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1A… đều mang tầm quốc gia được Nhà nước quy hoạch và quản lý. Thậm chí có dự án nhà đầu tư chỉ thực hiện trên cơ sở con đường cũ của Nhà nước, được xây dựng bằng thuế của người dân. Doanh nghiệp chỉ cải tạo là đã gọi là thu giá thì không thể được.
“Chủ đầu tư tư nhân phải thực hiện theo tiêu chuẩn của Bộ GTVT đề ra. Như vậy không thể gọi là hoàn toàn “của doanh nghiệp”. Ngoài ra, sau khi thực hiện dự án, nhà đầu tư được hoàn phí theo mức phí mà Bộ Tài chính có ý kiến để đảm bảo suất lợi nhuận hợp lý, chứ không phải siêu lợi nhuận. Do đó, nếu gọi là trạm thu giá thì không đúng bản chất”, ông chia sẻ.
Nói gọi là trạm thu giá, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng đó phải là một dự án hoàn toàn độc lập của nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư đề xuất tự lập một dự án xây dựng con đường, không phải là độc đạo, không phải là con đường có sẵn. Họ tự bỏ vốn ra làm, là con đường lựa chọn thứ 2 cho người dân đi.
Sau đó doanh nghiệp thu giá của người dân khi đi vào con đường đó, hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Chất lượng đường, giá cũng theo cơ chế đó. “Dự án do công ty tư nhân thực hiện, không độc quyền, không độc đạo, may ra có thể gọi là trạm thu giá”, ông Hiển nhấn mạnh.
Tên gọi không giải quyết được bức xúc về BOT
Từ Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Khắc Giang cho rằng có thể phần nào hiểu được đề xuất đổi tên của Bộ GTVT. Theo đó, nếu quy định là phí thì trách nhiệm quản lý thuộc Bộ Tài chính. Việc thay đổi phí sẽ không linh hoạt, từ đó không thu hút được các nhà đầu tư khi tham gia dự án.
Khi thay đổi thành giá, Bộ GTVT có thể linh hoạt thay đổi giá mà không cần thông qua Bộ Tài chính, tạo cơ chế đấu thầu cạnh tranh, đàm phán được.
5 phương án 'giải cứu' BOT Cai Lậy Trong 5 phương án báo cáo Thủ tướng về BOT Cai Lậy, Bộ GTVT kiến nghị chọn phương án 1, giữ nguyên trạm và giảm mạnh phí.
Tuy nhiên, ông Giang cho rằng gọi tên trạm thu phí hay thu giá không quan trọng lắm. Nếu cơ chế thị trường thì phải tự cho các cơ sở quyết định việc đặt tên như thế nào, không nhất thiết phải quy định là trạm thu giá hay trạm thu phí.
“Vấn đề chỉ là cái tên, không nhất thiết phải quy định là phí. Giống như vấn đề học phí không cần phải qua Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể quyết định. Việc bộ trưởng gọi là trạm thu giá lại tạo ra một từ mới, chưa bao giờ xuất hiện trong từ điển”, ông Giang nói.
Quan trọng hơn, ông Giang cho rằng việc gọi tên giá hay phí không giải quyết được câu chuyện bức xúc về BOT trong thời gian qua, chưa giải quyết được bản chất của BOT.
“Với đề xuất này, dư luận sẽ giống như đổ thêm dầu vào lửa. Câu chuyện quan trọng nhất hiện tại là tính minh bạch. BOT phải giải thích được rõ cho người dân là đặt vị trí đó có hợp lý không, cách thức lựa chọn nhà đầu tư có hợp lý không, thời gian chuyển giao lại cho Nhà nước có hợp lý hay không, không quan trọng tên là gì”, ông Giang nói.
Vị này nói rằng việc đổi tên trạm thu phí hay trạm thu giá đảm bảo đúng nguyên tắc thị trường. “Nếu cứ tập trung mãi vào câu chuyện gọi tên thì Bộ GTVT đang lảng tránh câu chuyện quan trọng nhất là tính minh bạch trong các dự án BOT. Nếu muốn thực sự giải quyết vấn đề BOT, Bộ GTVT phải minh bạch hóa tất cả”, ông chia sẻ.
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)