Theo thống kê đối với 27 ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2023, lượng tiền gửi của khách hàng đều tăng trong năm 2023, lên đến 9,8 triệu tỷ đồng, tăng 18,76% so với năm 2022.
Con số trên chưa bao gồm lượng vốn huy động tại Agribank và các ngân hàng chưa niêm yết. Nếu tính cả lượng huy động của Agribank, ước tính tổng lượng tiền huy động của 28 ngân hàng thông qua kênh gửi tiết kiệm khoảng trên 11 triệu tỷ đồng.
Trong khi đó, theo công bố mới nhất của NHNN, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến tháng 11/2023 đạt mức kỷ lục 12,8 triệu tỷ đồng (trong đó tiền gửi của khu vực dân cư đạt 6,471 triệu tỷ đồng).
Tuy nhiên, con số 12,8 triệu tỷ đồng này bao gồm cả các khoản phát hành giấy tờ có giá (kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi,…), trong khi con số 9,8 triệu tỷ đồng tổng hợp từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết không bao gồm giấy tờ có giá.
Trong đó, BIDV, VietinBank và Vietcombank lần lượt nắm giữ 3 vị trí dẫn đầu các ngân hàng niêm yết về huy động tiền gửi.
Lượng tiền gửi khách hàng (có kỳ hạn và không kỳ hạn) tại BIDV tính đến 31/12/2023 lên đến 1,685 triệu tỷ đồng, tăng 15,67% so với năm 2022.
Với VietinBank, nhà băng này hút về 1,409 triệu tỷ đồng tiền gửi, tăng 13% so với năm 2022. Trong khi đó Vietcombank nhận 1,40 triệu tỷ đồng tiền gửi từ khách hàng, tăng 14,46%.
Đứng sau 3 “ông lớn” nói trên, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần nằm trong Top 10 ngân hàng niêm yết được khách hàng “chọn mặt gửi tiền” bao gồm: MB, Sacombank, ACB, Techcombank, SHB, VPBank, HDBank.
Theo đó, lượng tiền gửi tính đến 31/12/2023 tại MB là 569.640 tỷ đồng, tăng 27%; tại Sacombank là 506.435 tỷ đồng, tăng 12,52%; tại ACB là 483.649 tỷ đồng, tăng 16,33%; tại Techcombank là 458.000 tỷ đồng, tăng 27%.
Lượng tiền gửi tại SHB là 444.627 tỷ đồng, tăng 24%; tại VPBank 443.558 tỷ đồng, tăng 44,36%; tại HDBank 371.000 tỷ đồng, tăng 72%.
Như vậy, Top 10 ngân hàng nói trên nắm giữ tới 82% tổng tiền gửi tại 27 ngân hàng niêm yết.
Tuy nhiên, nếu xét về tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lại tỏ ra vượt trội hơn hẳn so với các ngân hàng thương mại nhà nước. Thậm chí Top 10 ngân hàng xét theo tiêu chí này còn không có tên 3 “ông lớn” TMCP nhà nước.
Dẫn đầu toàn ngành về mức tăng trưởng trong huy động tiền gửi là HDBank với mức tăng đột biến 71,78%, VPBank đứng thứ hai với mức tăng trưởng ấn tượng 44,36% so với năm 2022.
Hai nhà băng này bỏ xa phần còn lại khi 8 ngân hàng còn lại Top 10, không có ngân hàng nào đạt mức tăng trưởng huy động tiền gửi tới 30%.
Cụ thể, tăng trưởng tiền gửi tại MB đạt 27,30%, Techcombank 27%, SeABank 25,68%, SHB 24%, Viet A Bank 23,47%, OCB 23%, Bac A Bank 19%, và ABBank (18%).
Mặc dù lãi suất huy động đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng liên tục tăng trong các tháng của năm 2023 trong bối cảnh các kênh đầu tư khác, đặc biệt là chứng khoán, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, chưa được khởi sắc.
Hiện lãi suất huy động 6%/năm gần như biến mất hoàn toàn. Nhóm ngân hàng Big4 đang niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12-18 tháng ở mức cao nhất chỉ từ 4,7-4,8%/năm, trong khi lãi suất ngân hàng kỳ hạn 6-9 tháng chỉ còn từ 2-3,2%/năm.
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)