Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu mới nhất liên quan đến tiền gửi vào hệ thống ngân hàng. Trong 2 tháng 10 và 11/2023, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng 21.847 tỷ đồng. Tính chung đến tháng 11/2023, lượng tiền gửi vào các hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục 12,8 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 6,384 triệu tỷ đồng, tiền gửi của dân cư đạt 6,471 triệu tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính do các ngân hàng công bố, nhiều ngân hàng có lượng tiền gửi tăng vọt. Như tại Vietcombank, lượng tiền gửi đạt 1,395 triệu tỷ đồng, tăng thêm 152.200 tỷ đồng so với năm 2022. Hay tại VietinBank, tính đến 31/12/2023, tiền và vàng gửi của khách hàng là hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2022.
Đây là điều hiếm khi thấy trong giai đoạn lãi suất ngân hàng liên tục giảm trong những tháng qua. Mặt bằng lãi suất được Ngân hàng Nhà nước đánh giá thấp nhất trong 20 năm trở lại đây. Lãi suất huy động được các ngân hàng liên tiếp giảm kể từ tháng 3/2023 đến nay, mức niêm yết hiện tại có thể cho là đã chạm đáy. Lãi suất huy động trung bình của các ngân hàng trong giai đoạn cuối năm 2023 chỉ ở mức 3,9%/năm - con số thấp nhất trong nhiều năm gần đây và kém xa so với thời kỳ trước COVID-19.
Đơn cử như tại các ngân hàng lớn BIDV, VietinBank, Agribank, lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất cũng chỉ 4,8%/năm cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Còn các kỳ hạn ngắn hơn từ 6 đến 11 tháng được niêm yết 3%/năm. Mức lãi suất tiền gửi cao nhất Vietcombank là 4,7%/năm áp dụng kỳ hạn 12 tháng, kỳ hạn 1 tháng chỉ là 1,7%/năm, mức 3%/năm cho kỳ hạn 6 và 9 tháng.
Đối với khối các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động cũng sát với mức của các ngân hàng có vốn nhà nước. Tại VPBank, kỳ hạn 12 tháng được trả lãi là 5%/năm, MBBank kỳ hạn 6 đến 11 tháng có lãi suất 3,9 - 4,2%/năm...
Đánh giá của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn và nhiều rủi ro.
Công ty Chứng khoán VDSC nhận định trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư rơi vào tình trạng "đóng băng" hoặc khó có lợi nhuận như hiện nay, gửi tiết kiệm vẫn được nhà đầu tư lựa chọn như một nơi an toàn.
Trong khi các kênh đầu tư khác đánh giá không hiệu quả, một trong những xu hướng khác của người dân Việt là mua vàng tích trữ. Một số số liệu ước tính lượng vàng dự trữ trong dân hiện nay là 300 tấn, cũng có số liệu 400 - 500 tấn. Đây chỉ là con số ước tính. Tuy nhiên, nếu số vàng này được đưa ra lưu thông thì sẽ là một nguồn lực lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Toạ đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững", diễn ra cách đây ít ngày, các chuyên gia đã trao đổi về lập sàn giao dịch vàng. Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, có sàn vàng, người dân sẽ thay đổi tâm lý. Về tiện lợi là không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không phải lo vàng có phải 9999 thật không,… vì chứng chỉ vàng sẽ bảo đảm giá trị đúng như thế và vàng sẽ nằm trên thị trường, hàng hóa được lưu thông trên thị trường.
Ông Cường phân tích, nếu chúng ta có thị trường vàng giao dịch tài khoản trên sàn thì việc liên thông sẽ rất dễ, không nhất thiết phải nhập khẩu về mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay vàng thế giới, việc đó tạo ra cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới.
Theo Pha Lê (Đời Sống & Pháp Luật)