Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của “anh cả” ngành ngân hàng đạt 41.244 tỷ đồng.
Con số này dù tăng 3.876 tỷ đồng, tương đương mức tăng 10,4% so với năm 2022 nhưng lợi nhuận trước thuế thực tế năm 2023 của Vietcombank vẫn thấp hơn 1.729 tỷ đồng so với kế hoạch.
Tính tới cuối năm 2023, Vietcombank ghi nhận tổng tài sản tăng 25.408 tỷ đồng, tương đương 1,4% so với cuối năm 2022 lên 1.839.223 tỷ đồng; thấp hơn 137.835 tỷ đồng so với kế hoạch.
Tháng 5/2023, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch cho năm 2023 với tổng tài sản tăng 9%; lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15%. Theo kế hoạch này, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của Vietcombank cần đạt 42.973 tỷ đồng và tổng tài sản đạt 1.977.058 tỷ đồng tại ngày 31/12/2023.
Có thể thấy, ít nhất 2 chỉ tiêu quan trọng là lợi nhuận trước thuế và tổng tài sản thực hiện thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên.
Mặc dù không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận so với kế hoạch nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VCB tăng trưởng dương, với mức tăng 3.876 tỷ đồng, tương đương 10,4% so với năm 2022. Kết quả là lợi nhuận sau thuế năm 2023 tăng 3.135 tỷ đồng, tương đương 10,5%, đạt 33.054 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước và sau thuế tăng dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm nhẹ, từ 46.831 tỷ đồng xuống 45.809 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính là nhà băng này mạnh tay cắt giảm dự phòng rủi ro tín dụng trong bối cảnh nợ xấu tăng rất mạnh.
Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2023 là 4.565 tỷ đồng, giảm 4.899 tỷ đồng, tương đương 51,8% so với năm 2022. Nếu Vietcombank không thực hiện động thái cắt giảm này, lợi nhuận trước thuế năm 2023 có thể là 36.346 tỷ đồng, giảm 1.022 tỷ đồng, tương đương 2,73%.
Việc VCB cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng mạnh dù nợ xấu tăng là quyết định không mấy phù hợp trong bối cảnh hiện tại nếu không muốn nói là đi ngược.
Tại ngày 31/12/2023, nợ xấu nhà băng này đạt 12.455 tỷ đồng, chiếm 0,98%. Nợ xấu tăng 4.635 tỷ đồng, tương đương 59,3% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,68% lên 0,98%.
Nợ có khả năng mất vốn tăng từ 6.623 tỷ đồng lên 7.841 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ xấu của VCB tăng liên tục trong giai đoạn từ 2020-2023. Năm 2020, nợ xấu là 5.230 tỷ đồng (tăng 0,62%) và năm 2021 là 6.121 tỷ đồng (tăng 0,64%). Năm 2023 là 12.455 tỷ đồng.
Năm 2023, thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Vietcombank liên tục có các đợt giảm lãi suất. Trong đợt cao điểm quý IV/2023, do giảm lãi suất nên thu nhập lãi thuần giảm nhẹ từ 14.809 tỷ đồng xuống 12.801 tỷ đồng. Nhưng tính chung cả năm, chỉ tiêu này vẫn tăng nhẹ từ 53.246 tỷ đồng lên 53.621 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhiều hoạt động quan trọng khác lại sụt giảm như: lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 1.059 tỷ đồng, tương đương 15,5% xuống 5.780 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm nhẹ từ 5.768 tỷ đồng xuống 5.660 tỷ đồng.
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)