Tình cảnh bi đát, loạt doanh nghiệp vận tải bán xe, nguy cơ phá sản

22/05/2022 17:23:47

Nhiều doanh nghiệp vận tải chấp nhận bán xe, chuyển công việc khác vì không chịu nổi. Bởi, một chuyến xe khách Bắc - Nam tốn chi phí khoảng 50 triệu đồng, riêng tiền xăng dầu là 30 triệu.

Hàng loạt đơn vị vận tải sắp bán xe

Một chuyến xe khách 45 chỗ tuyến TP.HCM - Hà Nội - TP.HCM tốn 31 triệu đồng tiền dầu; 1 triệu tiền nhớt; xe đi qua hơn 20 trạm thu phí BOT mất khoảng 5 triệu; tiền lệnh hai đầu bến xe là 2 triệu; lương tài xế, phụ xe 12 triệu; chưa kể tài xế, phụ xe ra đến Hà Nội phải thuê nhà nghỉ bên ngoài chứ không được ở trong bến.

Với tính toán trên, đại diện nhà xe Tư Viễn (tuyến TP.HCM - Hà Nội) cho biết, mức chi phí đã lên tới khoảng 50 triệu đồng/chuyến xe với giá dầu diesel vùng II hiện tại là 26.650 đồng/lít. Nhà xe này gần như chấp nhận tình trạng phá sản do không thể chịu được chi phí nhiên liệu tăng phi mã, chủ DN đang tìm hướng chuyển công việc khác.

Hiện, hai xe khách chạy đường dài 45 chỗ đã được công ty bán thanh lý giá rẻ, xe còn lại cũng nằm một chỗ tại TP. Dĩ An (Bình Dương) vì vắng khách. Xe bỏ không thì nhanh xuống cấp nhưng còn hơn chạy mà cứ lấy tiền nhà ra bù 1 chuyến 5-7 triệu đồng. 

“Chạy lỗ thì bán xe chứ giữ làm gì, nghỉ cho khỏe. Bây giờ các doanh nghiệp vận tải hành khách thực sự đang chạy theo kiểu cầu may. 10 xe thì 3 xe còn lộc lá có khách, 7 xe thì phá sản, như tôi chẳng hạn”, chủ nhà xe Tư Viễn nói. 

Tình cảnh bi đát, loạt doanh nghiệp vận tải bán xe, nguy cơ phá sản
Chi phí xăng, dầu tăng cao ảnh hướng lớn tới các doanh nghiệp vận tải hành khách (ảnh: Trần Chung)

Câu chuyện bi đát của nhà xe Tư Viễn không phải là hiếm. Tư tưởng bán xe, nghỉ chạy đang lan rộng trong giới DN vận tải hành khách tại TP.HCM. Một chủ xe khác tại Bến xe Miền Đông vừa mới thanh lý 2 xe 45 chỗ để giảm đầu xe chạy, do càng chạy càng lỗ.

Tương tự, ông Đào Ngọc Tuấn - chủ nhà xe Tuấn Duyên (tuyến TP.HCM - Hà Nội) cho hay, trước khi có biến động bởi ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine - Nga, chi phí dầu cho một chuyến xe Bắc Nam chỉ khoảng 15 triệu, giờ tăng lên 30 triệu đồng/chuyến.

DN vận tải hành khách hoàn toàn có thể điều chỉnh giá vé, nhưng bản chất của vấn đề là nếu tăng giá, người dân sẽ không đi, cũng không có khách mà tăng. Giá vé thấp nhưng khách đông, ổn định còn hơn giá cao mà lèo tèo vài người trên xe. Do đó, phương án điều chỉnh giá vé để bù lại chi phí hoàn toàn không khả thi. Giá vé giường nằm Bắc - Nam 800.000 đồng/người DN này vẫn giữ nguyên từ 7 năm nay. 

Nhà xe Tuấn Duyên có 2 đầu xe, một xe giờ nằm không ở Bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội). Theo nhà xe này, với chi phí cho một chuyến lên tới 50 triệu đồng, chưa tính khấu hao trong khi lượng khách chỉ đạt khoảng 40% so với trước dịch thì chẳng còn hy vọng nào cả. Trước đây, mỗi xe xuất bến có từ 35-40 khách, nay chỉ còn khoảng 10 người/chuyến. 

Ông Tuấn đã nghĩ đến phương án bán xe - cách tốt nhất lúc này. Tuy nhiên, nếu bán rẻ quá thì chẳng DN nào muốn, vì chiếc xe là thương hiệu bao nhiêu năm. Mặt khác, tình cảnh hiện tại cũng chẳng ai dại mua xe giá cao. Chua xót hơn, do nợ ngân hàng, nhiều chủ xe vẫn cắn răng chạy chịu lỗ bởi dừng xe sẽ vỡ nợ, phá sản.

Anh Phạm Thanh Duyên - chủ nhà xe Duyên Hà (tuyến TP.HCM - TP. Gia Nghĩa, Đăk Nông) chia sẻ, chi phí nhiên liệu tăng cao nhưng DN vận tải vẫn đang bị bổ đầu cả đống thuế, phí. 

Ví dụ, một lần di chuyển từ TP.HCM lên TP. Gia Nghĩa (khoảng 210 km), qua 3 trạm thu phí ở Bình Dương, 2 trạm ở Bình Phước, 1 trạm ở Đăk Nông. Tổng phí BOT là 540.000 đồng. Trong khi, tiền thuế đóng cho HTX Vận tải Dịch vụ và Du lịch Sài Gòn vẫn đều như “vắt chanh”. Xe chạy 10 ngày hay 20 ngày thì vẫn cứ đóng tiền nguyên tháng. Xin giảm thuế thì HTX không đồng ý với lý do Sở GTVT đã nắm thông tin đầu xe.

Một chuyến xe vì thế chạy lỗ 2-3 triệu đồng là chuyện thường nên ông Duyên đã nghĩ đến phương án bán dàn xe 5 chiếc để nghỉ hẳn sau 30 năm kinh doanh.

Tình cảnh bi đát, loạt doanh nghiệp vận tải bán xe, nguy cơ phá sản - 1
Nhiều nhà trả quầy vé để tiết kiệm chi phí vì vắng khách (ảnh: Trần Chung)

Doanh nghiệp chưa kịp ngoi lên đã bị dìm xuống

Ông Nguyễn Lâm Hải - Trưởng phòng Kế hoạch vận tải Bến xe Miền Đông - thông tin, từ đầu tháng 3/2022 đến nay, có 66/153 đơn vị có hồ sơ điều chỉnh giá vé, tỷ lệ tăng giá bình quân 24%. Số lượng xe bình quân xuất bến trong 19 ngày đầu tháng 5/2022 chỉ đạt 89% so với cùng kỳ năm 2021; lượng hành khách đạt khoảng 10.000-10.500 người/ngày, tương đương đạt 52% so với trước dịch Covid-19.

Thời điểm này, 30% nhà xe đã trả quầy vé do không có khách và chuyển phương án bán vé khác để tiết giảm chi phí. Bến xe Miền Đông đã hỗ trợ DN bằng cách giảm giá thuê quầy tới 40%, nhưng việc giá nhiên liệu tăng cao trong khi chiếm tới 30% chi phí ảnh hưởng lớn tới DN vận tải.

Ông Trần Nhân Hậu, Trưởng phòng điều hành Bến xe Miền Tây, cho hay, lượng khách tại bến hiện cũng chỉ đạt khoảng 50% so với trước dịch. Từ tháng 3, khi xăng dầu tăng giá mạnh, có 51/127 nhà xe đã tăng giá vé từ 10-20%.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hành khách Liên tỉnh và Du lịch TP.HCM - ông Lê Trung Tính, khẳng định, đây là tình trạng tồi tệ của ngành vận tải hành khách gần 3 năm qua.  “Chúng tôi chưa kịp ‘ngoi lên’ phục hồi sau dịch thì đã bị ‘dìm xuống’. Không thể nào chịu nổi”, ông Tính nói. 

Lúc này, khối vận tải hành khách ngày càng khốn đốn, việc điều chỉnh giá cước trong bối cảnh nhu cầu giảm sút cũng không khả quan. Hiệp hội này đề xuất Bộ GTVT cần nhanh chóng phối hợp cùng Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính trình Chính phủ, Quốc hội tiếp tục giảm thêm thuế môi trường và xem xét giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt vì xăng dầu bản chất là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng tới cuộc cuộc sống của người dân.

Theo Trần Chung (VietNamNet)

Nổi bật